24/04/2022 08:29
|
Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Kính thưa đồng chí Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,
Kính thưa đồng chí Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3,
Kính thưa đồng chí Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân đoàn 3, đại biểu tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng,
Kính thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ,
Kính thưa các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cựu chiến binh,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum,
Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể đồng bào!
Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hôm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049. Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kon Tum, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, quý vị khách quý cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Kính thưa đồng chí, đồng bào!
Tại buổi lễ trọng thể này, với niềm xúc động và biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - lãnh tụ của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng gửi đến các gia đình liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí lão thành cách mạng, gia đình có công lời thăm hỏi ân cần và lời cảm ơn sâu sắc nhất. Chúng ta đời đời ghi nhớ và biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giải phóng quê hương Kon Tum.
Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Kính thưa đồng chí, đồng bào!
Ở khu vực Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum nối liền các tuyến hành lang Bắc - Nam, Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, án ngữ tại ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Với vị trí địa chính trị quan trọng như trên, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng để chốt giữ và xây dựng khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở Bắc Tây Nguyên mà trung tâm là cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh.
Trong đó, từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng tại Đăk Tô - Tân Cảnh hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2. Ở bờ Tây sông Pô Kô, cách căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh 10 km về phía Tây Nam là các căn cứ hỏa lực như Căn cứ Charlie (Sạc ly), căn cứ Delta (Đen Ta); dọc theo biên giới Việt Nam - Lào là các tiền đồn biên phòng do tiểu đoàn Biệt động quân 62 (cứ điểm Plei Kleng), Tiểu đoàn 95 (Ben Hét hay còn gọi là Cứ điểm Plei Kần), Tiểu đoàn 88 (Chi khu quận lỵ Đăk Prek) trấn giữ; phía Đông Nam có Bộ chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, Căn cứ Non Nước (Võ Định)… Mục đích của địch là biến nơi đây trở thành cụm cứ liên hoàn khép kín trong thế phòng thủ và tấn công của địch ở Bắc Tây Nguyên với lực lượng đông đảo, bố phòng dày đặc và vũ khí tối tân.
Với vị trí chiến lược quan trọng, Đăk Tô - Tân Cảnh trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, nhiều chiến dịch lớn được thực hiện tại đây, như: Chiến dịch Đăk Tô I vào năm 1967, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã tiêu diệt bộ phận Sư đoàn bộ binh 4, Sư đoàn kị binh không vận số 01 và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại điểm cao 875, đã góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Đăk Tô II vào năm 1969 ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ và kế hoạch “tìm diệt” của Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Đặc biệt là chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên mà trọng điểm là chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh.
Đầu năm 1972, cục diện chiến trường miền Nam có những thay đổi quan trọng theo hướng có lợi cho ta. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xác định "Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ". Tỉnh ủy Kon Tum đã xác định quyết tâm: “Tổng động viên sự nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, quân, dân, tranh thủ thời cơ thuận lợi, tấn công và nổi dậy giải phóng toàn bộ nông thôn, giành thắng lợi cao nhất ở thị xã (khu vực X), khẩn trương xây dựng lên nhanh, mạnh, toàn diện”. Ngày 2/2/1972, chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân - Hè của ta bắt đầu. Bằng việc tổng động viên sự nỗ lực cao nhất của ba thứ quân, Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh Kon Tum đã chuẩn bị mọi mặt, huy động tối đa mọi nguồn lực, tham gia cùng bộ đội chủ lực với quyết tâm giành thắng lợi.
Đêm 23, rạng sáng 24/4/1972, sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh, thu hút sự chú ý của địch về phía Tây và phía Bắc, Sư đoàn 2 được tăng cường Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công cùng Tiểu đoàn 304 của tỉnh Kon Tum và một bộ phận pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng của Mặt trận, do sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và chính ủy Lê Đình Yên chỉ huy bất ngờ từ phía Đông đột phá trận địa phòng ngự của địch. Các vị trí trọng yếu của địch lần lượt bị quân ta tiêu diệt, phá hủy, như: kho đạn, kho xăng, khu trung tâm thông tin.
Bị tấn công bất ngờ cùng với sự xuất hiện của một lực lượng lớn bộ binh được trang bị xe tăng, tên lửa chống tăng, quân địch rơi vào thế lúng túng, sợ hãi chống cự, chúng dùng xe tăng phản kích, bắn đạn có hơi ngạt vào các hướng đột kích của ta. Song, trước sức tấn công dũng mãnh, kiên cường của quân đội ta, quân địch đã hoàn toàn thất bại.
Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Kính thưa đồng chí, đồng bào!
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được coi là trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ Đăk Tô - Tân Cảnh, bắn rơi 17 máy bay, thu và phá hủy 30 khẩu pháo hạng nặng, thu rất nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, bắt sống trên 600 tù binh, trong đó có rất nhiều sĩ quan cấp úy, cấp tá. Chiến thắng đã mở thêm vùng giải phóng rộng lớn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Tây Nguyên, làm cho thế trận của địch ở phía Bắc bị rối loạn, ở phía Nam bị uy hiếp nhiều phía, làm suy yếu trận địa phòng ngự của địch.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam.
Chiến thắng trên là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ huy sáng suốt của các cấp ủy và của Bộ Tư lệnh chiến dịch; là tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của lực lượng vũ trang, quân và dân tỉnh Kon Tum; là thắng lợi của ý chí quyết tâm với khí thế “Trường Sơn chuyển mình - Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hết lòng ủng hộ bộ đội với những "rẫy mì cách mạng", "rẫy mì giải phóng" được mọc lên khắp nơi để cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ cho chiến dịch, những tiếng chày giã gạo thâu đêm suốt sáng của nhân dân huyện Đăk Tô (H80), hay những hình ảnh người mẹ "Tay cầm khẩu súng, phía trước địu con, sau lưng cõng đạn" và nhiều hành động anh hùng trong chiến đấu của các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trở thành biểu tượng bất tử của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Kính thưa đồng chí, đồng bào!
Để có được chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh trong chiến dịch Xuân Hè 1972 lịch sử, phải kể đến là trận đánh tại hai điểm cao 1015 - đồi Sạc Ly và điểm cao 1049 - đồi Delta, thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nằm trên dãy đồi cao của bờ Tây sông Pô Kô - 2 điểm cao này là những pháo đài kiên cố của địch nằm án ngữ giữa vùng ngã ba biên giới, trấn giữ căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh và thị xã Kon Tum từ xa. Chiến thắng tại hai cao điểm 1015, 1049 đã đập tan toàn bộ hệ thống cứ điểm của địch ở bờ Tây sông Pô Kô, góp phần giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh trong chiến dịch Xuân Hè 1972. Tạo điều kiện cho các lực lượng tấn công tiêu diệt cứ điểm Kleng, giải phóng hoàn toàn huyện Sa Thầy vào ngày 9/5/1972 và tiếp tục vây lấn đánh vào thị xã Kon Tum trong bước hai của chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972.
Với ý nghĩa và giá trị lịch sử đó, Điểm cao 1015, 1049 đã trở thành ký ức hào hùng của quân và dân ta. Năm 2018, Ban liên lạc Truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng công trình Nhà Bia Di tích Điểm cao 1015-1049. Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn quý báu của dân tộc Việt Nam; đồng thời tri ân, tưởng nhớ đến các đồng chí, đồng đội đã chiến đấu, hy sinh tại điểm cao 1015, 1049 trong chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972.
Hôm nay, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum vui mừng được đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 thuộc huyện Sa Thầy và huyện Đăk Tô vào di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Kính thưa đồng chí, đồng bào!
50 năm đã trôi qua, Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, song với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần tự hào từ Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đa số đạt và vượt kế hoạch; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, công tác an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng; chất lượng giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến rõ nét; năng lực cạnh tranh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên.
Kính thưa đồng chí, đồng bào!
Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum thời gian tới là rất nặng nề, với nhiều khó khăn, thách thức; song, với bề dày truyền thống và những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn cách mạng; chúng ta tin tưởng rằng tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, đưa quê hương Kon Tum ngày càng phát triển.
Một lần nữa, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, xin cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh bạn, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kon Tum; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng; quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể đồng chí, đồng bào đã dành thời gian tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972- 24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049.
Xin gửi đến các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum lời chúc sức khỏe, đoàn kết và quyết thắng!
Xin trân trọng cảm ơn!