Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021

25/09/2021 14:08

Sáng 25/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021. Hội nghị được kết nối với 5 điểm cầu của các tỉnh Tây Nguyên, 8 điểm cầu của các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, nhà bán lẻ lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chương trình diễn đàn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: TH

 

Dự buổi diễn đàn tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Diễn đàn được tổ chức với mục đích tạo điều kiện để các tỉnh Tây Nguyên quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp; khả năng cung ứng, tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm OCOP trong bối cảnh dịch Covid-19; các doanh nghiệp, siêu thị, nhà bán lẻ tìm hiểu, triển khai chương trình hợp tác kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP. Đồng thời, thông qua diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt rõ hơn những khó khăn, vướng mắc mà ngành Nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên đang gặp phải nhằm định hướng các giải pháp tháo gỡ để tiếp tục đưa sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên phát triển.

Theo báo của UBND tỉnh Kon Tum, năm 2021, tổng diện tích cây trồng chính của tỉnh ước đạt 189.436,8ha, trong đó diện tích gieo trồng vụ Đông-Xuân năm 2020-2021 là 10.412ha, diện tích gieo trồng vụ mùa là 179.024,8ha; tổng đàn gia sức ước đạt 267.710 con; diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 782,9ha…

Thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 109 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, trong đó đã có 1 sản phẩm được công nhận 5 sao và 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Về tính kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên thông tin về nhu cầu mua bán nông sản, nhất là lương thực, thực phẩm ở khu vực phía Nam từ Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đăng trên trang tin kết nối nhu cầu mua bán của Tổ công tác 970 tại địa chỉ: http://htx.cooplink.com.vn. Đến nay, đã kết nối cho Công ty TNHH MTV Gia Bạch 2 chuyến hàng lương thực, thực phẩm dưới dạng Combo vào tiêu thụ tại Bình Dương với tổng sản lượng khoảng 25 tấn rau, củ, quả, trái cây, thịt, cá; có 23 sản phẩm của 9 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên trang tin kết nối cung cầu của Tổ công tác 970.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn như: Việc ký kết các hợp đồng mua bán nông sản, thủ tục xuất khẩu sang các nước gặp khó khăn, thời gian thông quan kéo dài làm tăng chi phí; sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng nhiều, giá nguyên vật liệu tăng cao, giá sản phẩm nông nghiệp bán ra rẻ hơn thời điểm trước…

Tại diễn đàn, sau khi thảo luận, trao đổi về kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến nông sản; 4 tỉnh và 6 doanh nghiệp, nhà bán lẻ trong nước đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các tỉnh Tây Nguyên đang gặp phải.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ luôn đồng hành cùng các tỉnh Tây Nguyên trong việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đề nghị các địa phương cần tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nhà doanh nghiệp, đơn vị phân phối tiêu thụ hàng hóa; qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Thùy Hương

Chuyên mục khác