Diễn đàn Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch

24/04/2022 18:07

Chiều 24/4, tại Hội trường lớn huyện Tu Mơ Rông diễn ra Diễn đàn Sâm Ngọc Linh, sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: VP

 

Đến dự có đồng chí U Huấn- Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Thế Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Tổ trưởng tổ cấp ủy phụ trách huyện Tu Mơ Rông; Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Y Thị Bích Thọ- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Tháp-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, thành phố; Dược sỹ Đào Kim Long- người phát hiện ra sâm Ngọc Linh, Tiến sĩ Hồ Quang Cua chủ trì đề tài Lúa ST 25 và lãnh đạo một số tỉnh của các nước bạn Lào và Campuchia.

Đến nay, tỉnh ta đã có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng là hơn 1.240,7ha. Diện tích sâm này trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông (với hơn 1,190ha).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, Rừng-Sâm Ngọc Linh-các loại Dược liệu gắn với Du lịch là lợi thế của Tu Mơ Rông và có mỗi quan hệ gắn bó hữu cơ, khăng khít không thể tách rời. Trong đó, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển các lợi thế còn lại, mất rừng không thể phát triển sâm Ngọc linh và các loại dược liệu đặc hữu. Khi không còn sâm Ngọc Linh thì không còn lợi thế khác biệt để phát triển du lịch và mất rừng sẽ không còn nguồn nước, không còn thác nước đẹp, không còn nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Vì vậy, làm sao để phát triển được sâm Ngọc linh và các sản phẩm đặc hữu để cung cấp ra thị trường, cho người tiêu dùng qua các kênh khác nhau, trong đó thông qua con đường du lịch; làm thế nào để phát huy được chuỗi kinh tế xanh này nhằm đưa người dân Xơ Đăng thoát nghèo hướng tới làm giàu, đưa huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững là câu chuyện còn nhiều vấn đề cần được bàn thấu đáo, phải có giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược, phải có sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để huyện Tu Mơ Rông thành Trung tâm Dược liệu của tỉnh, góp phần đưa tỉnh ta thành trung tâm dược liệu cả nước.

Dược sĩ Đào Kim Long chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: VP

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia tham gia thảo luận, tham luận, chia sẻ, phân tích đề xuất các giải pháp, định hướng về bảo vệ rừng, những biện pháp liên doanh liên kết để phát triển sâm Ngọc Linh, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, gắn với phát triển du lịch... để đưa huyện Tu Mơ Rông trở thành trung tâm, thủ phủ của các loại dược liệu, từ đó giúp người dân thoát nghèo và sớm đưa Tu Mơ Rông phát triển nhanh và bền vững.

Đặc biệt, tại Diễn đàn, Dược sĩ Đào Kim Long đã nêu lên quá trình phát hiện ra sâm Ngọc Linh và nghiên cứu phân tích đánh giá đưa sâm Ngọc Linh trở thành loại dược liệu quý như ngày hôm nay. Dược sĩ Đào Kim Long mong muốn tỉnh Kon Tum tiếp tục bảo tồn phát triển mạnh diện tích và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VP

 

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đánh giá cao huyện Tu Mơ Rông đã lần đầu tiên chủ trì tổ chức Diễn đàn “Sâm Ngọc Linh các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch”, nhằm bàn về các giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc tổ chức Diễn đàn là kỳ vọng lớn để tạo một hướng đi mới đối với phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu tại huyện Tu Mơ Rông. Sản phẩm tạo ra không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy tối đa lợi thế tiềm năng về điều kiện tự nhiên, tính đặc sắc và văn hóa của địa phương, đa dạng hóa các loại hình du lịch, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn sẽ được lắng nghe ý kiến thảo luận, góp ý cũng như những kiến nghị từ các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học bàn về các giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu gắn với du lịch. Đồng chí đề nghị lãnh đạo các cấp chính quyền huyện Tu Mơ Rông chủ động tìm kiếm những cơ hội ngay từ chính diễn đàn ngày hôm nay, từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn để năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi phù hợp, sớm đưa việc phát triển sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông trở thành hiện thực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông nói riêng và của cả tỉnh Kon Tum nói chung.

Lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông ký kết với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: VP

 

Xã Ngọc Lây ký kết với doanh nghiệp. Ảnh: VP

 

Dịp này, huyện Tu Mơ Rông, UBND các xã đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong việc liên kết, hợp tác phát triển và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với huyện, với các HTX trên địa bàn huyện.

Văn Phương

Chuyên mục khác