Đánh giá công tác chuẩn bị trồng rừng và dược liệu năm 2022

31/03/2022 18:16

Chiều 31/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị trồng rừng, trồng dược liệu năm 2022.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TH

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch trồng rừng năm 2022, toàn tỉnh sẽ trồng mới 4.500ha rừng. Sau khi UBND tỉnh giao chỉ tiêu, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ trồng rừng năm 2022 và giao chỉ tiêu trồng rừng cụ thể đến từng xã, đơn vị chủ rừng.

Đến nay hầu hết các địa phương, đơn vị đều đang tổ chức thống kê, rà soát đảm bảo quỹ đất trồng rừng năm 2022. Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn các huyện, thành phố đang sản xuất, gieo ươm giống cây trồng lâm nghiệp như thông, bạch đàn, keo lai, sơn tra, mắc ca, sao đen... đáp ứng khoảng 80% số lượng cây giống để phục vụ cho thời vụ trồng rừng năm 2022. Nhu cầu cây giống còn lại các địa phương, đơn vị liên hệ và mua từ các tổ chức, cá nhân khác theo quy định.

Về nguồn vốn trồng rừng, đến nay, UBND tỉnh chưa phân bổ cho các địa phương, tuy nhiên, hầu hết các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng của UBND các xã, thị trấn, nguồn ngân sách huyện, thành phố để hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất.

Đối với công tác phát triển dược liệu và sâm Ngọc Linh, năm 2022 tỉnh Kon Tum có kế hoạch trồng mới 2.000ha dược liệu và 500ha sâm Ngọc Linh. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã đăng ký diện tích trồng dược liệu, sâm Ngọc Linh được 2.484.5ha, đạt 99,4% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai công tác trồng rừng và dược liệu còn một số khó khăn như một số diện tích đất trống có sai số với kết quả kiểm kê rừng năm 2014, diện tích đất đăng ký trồng rừng của người dân manh mún, nhỏ lẻ; vốn ngân sách Trung ương không hỗ trợ, vốn ngân sách địa phương còn hạn chế; việc cung ứng nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng gặp nhiều khó khăn...

Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng, trồng dược liệu và sâm Ngọc Linh năm 2022.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị các ngành rà soát, từng bước tháo gỡ những khó khăn mà các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát quỹ đất, lựa chọn các loại cây giống có năng suất cao phù hợp với điều kiện từng vùng, tập trung các nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng đúng tiến độ, mùa vụ, có hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc rừng; các đơn vị chủ rừng rà soát lại các điều kiện cần thiết để trồng rừng và trồng cây phân tán đúng thời vụ, đảm bảo diện tích trồng rừng đủ tiêu chí thành rừng theo quy định; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những vi phạm liên quan đến lĩnh vực trồng, bảo vệ, phát triển rừng.

Đối với mục tiêu phát triển dược liệu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng xuống giống khi thời tiết thuận lợi; triển khai các chính sách hỗ trợ trồng dược liệu thuộc Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu của người dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong trồng, chế biến dược liệu...

Thùy Hương

 

 

Chuyên mục khác