18/05/2015 07:04
|
Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, dân tộc ta phải chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, năm 1911 (lúc 21 tuổi)- người thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, Người để lại cho các em học sinh ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) một lá thư, trong thư có đoạn: “Thầy biết các trò rất yêu mến thầy. Nhưng thầy không thể ở lại Trường Dục Thanh dài hơn nữa, dạy thêm cho các trò những bài học, kể thêm những câu chuyện cổ tích, chuyện đời xưa cho các trò nghe. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ một ngày mai nước nhà độc lập, tự do kêu gọi thầy dấn bước ra đi”.
Bôn ba khắp các châu lục, hòa mình với thế giới cần lao, tham gia các tổ chức chính trị-xã hội, chịu khó học hỏi, nghiên cứu những tư tưởng tiến bộ ở xứ người, tháng 7/1920 khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê nin, Người vui sướng không cầm được nước mắt: “Khi ấy ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang đứng trước đông đảo quần chúng: hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”.
Ở Bác Hồ, yêu nước cũng đồng nghĩa với yêu dân. Những bài viết tố cáo chính sách thuộc địa hà khắc của các nước thực dân, đế quốc ở thuộc địa, phản ánh khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa trên các báo Nhân đạo, Tia sáng, Đời sống thợ thuyền, Người cùng khổ; hay bản Yêu sách tám điểm gửi đến Hội nghị Véc-xây đòi nước Pháp và các cường quốc phải thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam... đã thể hiện tình yêu nước, yêu dân sâu sắc của Bác. Bác đã bất chấp hiểm nguy có thể đến với mình bất cứ lúc nào và tạo được tiếng vang lớn trên trường quốc tế lúc đó.
Từ yêu nước, yêu dân, đến với Chủ nghĩa Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đưa chủ nghĩa Mác-Lê nin đến Việt Nam và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dù phải chịu bao cảnh tù đày và ngay cả trong tù Bác cũng nghĩ đến nước Việt Nam độc lập: “Một canh… hai canh… lại ba canh/Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành/Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” (Không ngủ được-Nhật ký trong tù). Yêu nước, yêu dân, tất cả vì dân là suy nghĩ thường trực trong con người Bác. Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1946 khi trả lời các nhà báo, trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã bộc bạch mục tiêu sống mà Người theo đuổi: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30/5/1946), Bác khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.
Là lãnh tụ dân tộc, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân là lo cho dân, cho nước từ việc lớn đến việc nhỏ: tìm đường cứu nước; bảo vệ, đấu tranh thống nhất đất nước; xây dựng, phát triển mọi mặt xã hội; việc tương, cà, mắm, muối... để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Hy sinh cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, nhưng lúc nào Người cũng suy nghĩ mình chưa tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước. Vì thế, năm 1963, khi biết tin Quốc hội định trao Huân chương Sao vàng cao quý, Bác đã phát biểu rất chân thành: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”. Và Bác khiêm tốn: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý”.
Ngay cả trước lúc đi xa, từ biệt thế giới này, trong Di chúc để lại Bác cũng chỉ có một mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Trong chiều sâu tâm thức, nhân dân đối với Bác không chỉ đơn thuần là sức mạnh chính trị, mà còn ẩn chứa tư tưởng nhân văn: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người khẳng định, dân khí mạnh thì không binh lính nào, súng ống nào có thể địch nổi. Người quan niệm cái gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc là chân lý và xem phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý; làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng. Vì lẽ đó cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, yêu dân.
Bác khuyên cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Người tâm niệm, Nhà nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa. Người nói: “Chúng ta đã hi sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi... Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”, “mọi quyền hành đều ở nơi dân”. Người viết: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân” và thực tế chính nhân dân là người làm nên thành công của cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng của Người về nước, về dân có giá trị mãi mãi muôn vạn năm sau. Thật sáng suốt khi toàn Đảng, toàn dân ta đang “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Văn Nhiên