Dân chủ và thẳng thắn trong chất vấn và trả lời chất vấn

06/07/2023 18:44

Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng của các kỳ họp HĐND tỉnh. Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XII, có 13 vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm đã được các đại biểu chất vấn lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành.
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: ĐT

 

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn “nóng” ngay từ đầu buổi trước những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường được các đại biểu nêu ra.

Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh (Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai) đặt vấn đề trách nhiệm của Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị, địa phương có liên quan trong việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 các huyện, thành phố và giải pháp khắc phục hạn chế này.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Lộc thẳng thắn thừa nhận, kết quả phê duyệt sử dụng đất năm 2023 hoàn thành có sớm hơn năm 2022, tuy nhiên vẫn chậm so với quy định. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Sở; song cũng có phần trách nhiệm của huyện, thành phố do chậm hoàn thiện hồ sơ dự án gửi về Sở để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Lộc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí vốn cho công tác lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất hằng năm; triển khai công tác lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 trong tháng 7/2023 và hoàn thành trình Hội đồng thẩm định trong tháng 11/2023 để đảm bảo thời gian phê duyệt theo quy định.

Trả lời chất vấn của đại biểu A Hơn (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) về trách nhiệm trong quản lý, cấp phép đối với hoạt động nạo vét cát, sỏi bồi lắng tại một số lòng hồ thủy lợi, thủy điện, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, theo quy định của UBND tỉnh, việc quản lý cát, sỏi lòng sông, hồ thủy lợi, thủy điện là trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, chưa có quy định về quản lý và đầu tư các dự án nạo vét có tận thu khoáng sản, Sở Tài nguyên-Môi trường đang tổ chức thanh tra, kiểm tra về hoạt động này, nếu phát hiện hành vi lợi dụng nạo vét hồ thủy điện để khai thác khoáng sản trái phép sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) tham gia chất vấn. Ảnh: ĐT

 

Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu Đăk Hà) đề nghị UBND tỉnh đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay là xã Đăk Long), huyện Đăk Hà giai đoạn 2009-2015 và hướng giải quyết đối với những hộ chưa lên ở cũng như đảm bảo ổn định đời sống người dân tại khu tái định cư.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm trả lời chất vấn. Ảnh: ĐT

 

Trước vấn đề này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm thông tin, dự án được triển khai thực hiện từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2018. Dự án bố trí sắp xếp tái định cư cho 126 hộ/674 khẩu. Tuy nhiên, hiện nay còn khoảng 50 hộ chưa lên ở khu tái định cư do người dân đã quen với việc sản xuất, sinh hoạt ở nơi cũ nên không muốn thay đổi. Mặt khác, quỹ đất sản xuất tại khu tái định cư không đảm bảo theo kế hoạch của dự án nên người dân gặp nhiều khó khăn ở nơi mới và quay về làng. UBND tỉnh đã kiểm tra, chỉ đạo UBND huyện Đăk Hà lập dự án mới để khắc phục những vướng mắc về đất sản xuất, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống; đồng thời, tiếp tục vận động người dân lên nơi ở mới.

Đại biểu Huỳnh Thị Hồng (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) tham gia chất vấn. Ảnh: ĐT

 

Lo lắng về thực trạng số người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) liên tục giảm trong nửa đầu năm 2023, đại biểu Huỳnh Thị Hồng (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) đặt câu hỏi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc, có đề nghị Chính phủ, BHXH Việt Nam điều chỉnh việc giao chỉ tiêu BHYT cho tỉnh Kon Tum có tính đến đặc thù vùng miền và các yếu tố bất lợi khác hay không?

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc trả lời chất vấn. Ảnh: ĐT

 

Về nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc khẳng định: UBND tỉnh chưa đặt vấn đề về đề nghị Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu, mà quyết tâm chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT đã được Thủ tướng Chính phủ giao vì nhiều lý do như: BHYT là một trong những cột trụ trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, từng bước nâng cao diện bao phủ BHYT, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 95%...

Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân một cách bền vững, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc cho biết, UBND tỉnh sẽ xem xét kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng đặc thù, phù hợp với yêu cầu thực tiễn vùng miền.

Với vai trò là đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đặt câu hỏi về việc sử dụng và phát huy hiệu quả của các máy xét nghiệm sâm Ngọc Linh sau hơn 4 tháng được đưa vào sử dụng?

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn. Ảnh: ĐT

 

Trước vấn đề được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu ra, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Bùi Thanh Bình trả lời, hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học - Công nghệ quản lý, vận hành 2 hệ thống máy xét nghiệm sâm Ngọc Linh gồm: Hệ thống thiết bị phục vụ công tác tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN với 25 thiết bị chủ yếu và hệ thống kiểm định thành phần sinh học saponin sâm Ngọc Linh với 11 thiết bị phục vụ công tác chuyên kiểm tra chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum lấy mẫu sâm để phân tích xây dựng bộ chỉ thị chuẩn làm cơ sở phân biệt với các sâm khác.

Cũng theo Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, thời gian tới, đơn vị sẽ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin để các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ, gửi mẫu đến phân tích, kiểm định.

Trao đổi thêm về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý Sở Khoa học - Công nghệ cần nghiên cứu, có giải pháp phù hợp nhằm khai thác hiệu quả nhất các loại máy móc đã được tỉnh đầu tư, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, ngăn chặn tình trạng sâm giả.

Ngoài ra, một số vấn đề tồn tại, bất cập trong triển khai quy hoạch chung cấp huyện, đầu tư đường dây tải điện 3 pha phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc chậm trễ ban hành đơn giá mở các lớp đào tạo nghề nông thôn và những vướng mắc trong việc thu hồi tiền đã chi truy lĩnh của các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, định hướng phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay... cũng được đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn. Lãnh đạo các sở, ngành chức năng thông tin, trả lời đầy đủ.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tiếp thu nội dung chất vấn của các đại biểu. Ảnh: ĐT

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu kết luận phiên chất vấn. Ảnh: ĐT

 

Sau mỗi nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp đánh giá, gợi mở các vấn đề, tạo không khí đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh và người được chất vấn, phát huy dân chủ và mang tính xây dựng.

Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có thể thấy, các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã thể hiện khả năng bao quát, nắm vững lĩnh vực phụ trách, trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm nội dung được nêu ra, đồng thời, cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về những điểm còn hạn chế, được các đại biểu đánh giá cao.

Thùy Hương

Chuyên mục khác