Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phát biểu ý kiến xây dựng luật

27/05/2022 07:00

Trong Phiên làm việc sáng 26/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã cùng 24 đại biểu Quốc hội cả nước tham gia phát biểu ý kiến xây dựng luật.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh bày tỏ sự thống nhất đối với việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp này để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lực lượng cảnh sát cơ động tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động được trình ra kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia của nhân dân, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: HN

 

Về nội dung còn ý kiến khác nhau đối với việc giải thích cụm từ "biện pháp vũ trang" đã có nhiều ý kiến tham gia. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, việc giải thích cụm từ "biện pháp vũ trang" trong Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, vì "biện pháp vũ trang" không phải là cụm từ xuất hiện lần đầu trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Biện pháp vũ trang đã được đề cập tại khoản 1 Điều 15 Luật An ninh quốc gia năm 2004, đây là một trong 7 biện pháp cơ bản để bảo vệ an ninh quốc gia và đã được đề cập tại khoản 14 Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2018, trong nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công an nhân dân.

Tuy nhiên, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2018 đều không giải thích đối với cụm từ này. Đến thời điểm hiện tại, các văn bản dưới luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân cũng chưa làm rõ khái niệm “biện pháp vũ trang”. Với một cụm từ dự kiến xuất hiện nhiều lần trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động nhưng nội hàm chưa được giải thích rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp vũ trang trên thực tế sẽ liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nên cần thiết giải thích cụm từ này để lực lượng cảnh sát cơ động có cơ sở tổ chức thực hiện nhiệm vụ đúng theo chức trách, thẩm quyền, phạm vi mà pháp luật quy định, tránh tình trạng lạm dụng hoặc không thực hiện hết chức trách, quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, đối với lực lượng cảnh sát cơ động, biện pháp vũ trang được xem là biện pháp đặc biệt, chủ yếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ phòng, chống hành vi bạo loạn, khủng bố. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi khi thi hành, đề nghị giữ nguyên nội dung giải thích cụm từ "biện pháp vũ trang" trong dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tại dự thảo luật cũng dự kiến quy định cảnh sát cơ động có nhiệm vụ sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố, tôi nhận thấy quy định này đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng đó là: “Tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo loạn, chống khủng bố, bố trí lực lượng này ở các địa bàn trọng điểm, với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất”.

Đối với các nội dung khác, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất cao với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày tại kỳ họp và thống nhất nội dung dự thảo luật được trình ra kỳ họp lần này.

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu thảo luận. Ảnh: HN

 

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến về sự cần thiết ban hành luật, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động; việc chịu trách nhiệm về quyết định ra lệnh nổ súng; việc đền bù đối với phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại; nguyên tắc hoạt động của cảnh sát cơ động.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, là một bộ phận của lực lượng công an nhân dân, cảnh sát cơ động có tính đặc thù riêng. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là trấn áp, giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, biểu tình trái pháp luật, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, các đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm... với việc sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu. Việc Quốc hội xem xét thông qua luật này là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động cũng như tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và đồng thời cũng tạo khung pháp lý để phòng ngừa những sự lạm dụng hay lạm quyền trong quá trình hoạt động của cảnh sát cơ động;...

Hồ Nam

Chuyên mục khác