Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham gia ý kiến thảo luận dự án Luật Trồng trọt

09/11/2018 15:02

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.

Tại phiên thảo luận này, đồng chí A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum và 21 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.

Đại biểu Quốc hội A Pớt phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật

 

Đại biểu Quốc hội A Pớt đã phát biểu tham gia 5 ý kiến vào dự án luật này về Giải thích từ ngữ về cây hằng năm và cây lâu năm; Quy định về vùng chuyên canh hàng hóa tập trung cao, hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao; Bổ sung những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc về vấn đề kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Chiến lược trồng trọt; Chính sách của nhà nước đối với trồng trọt.

Thứ nhất, tại khoản 6 và khoản 7 Điều 2 giải thích về cây hàng năm và cây lâu năm, theo đó "cây hàng năm được xác định là cây cho thu hoạch và kết thúc trong thời gian không quá 1 năm kể cả cây lưu gốc để thu hoạch không quá 5 năm", "cây lâu năm là cây gieo trồng 1 lần, sinh trưởng và thu hoạch trong nhiều năm". Giải thích như vậy là chưa đủ, bởi trên thực tế có những loại cây như cây dược liệu không như cây hàng năm và cây lâu năm như đã giải thích. Vì có cây dược liệu như sâm Ngọc Linh của Kon Tum chỉ gieo trồng một lần nhưng sinh trưởng nhiều năm, thu hoạch 1 lần rồi phải gieo trồng lại, không thu hoạch trong nhiều năm, vậy xếp vào loại cây nào, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm chỗ này.

Thứ hai, dự thảo quy định về vùng chuyên canh hàng hóa tập trung cao, hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao. Theo tôi các quy định này cần cụ thể hơn cho phù hợp với vùng miền núi, vùng cao, vốn có độ dốc cao, địa hình chia cắt và rừng, cần có những quy định cụ thể về vấn đề phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm tránh tình trạng phát triển phong trào. Đồng thời phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực của từng vùng như vùng miền núi, vùng cao.

Thứ ba, dự thảo cũng đã có quy định về vấn đề phân bón nhưng trong trồng trọt không thể thiếu vấn đề bảo vệ thực vật. Tình trạng kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay đang làm tăng thêm tính nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường và không an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm cây trồng. Dự thảo luật cần bổ sung những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc về vấn đề kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ thực vật. Đồng thời bổ sung thêm nội dung phòng, chống dịch bệnh trong quá trình canh tác.

Thứ tư, về chiến lược trồng trọt. Dự thảo tại Điều 4 đã xác định ba chiến lược phát triển vùng trồng trọt, bao gồm chu kỳ phát triển không trái với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn. Chiến lược phát triển trồng trọt, quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn mục tiêu, giải pháp và giúp thực hiện nhiệm vụ phát triển trồng trọt cho từng vùng trên phạm vi toàn quốc; trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu A Pớt thống nhất với những quy định này; tuy nhiên, cũng cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, với tính cách là cơ quan quản lý hành chính trên một vùng lãnh thổ trong chiến lược phát triển trồng trọt.

Mặt khác, chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược chung cho cả nước, trong khi mỗi địa phương lại có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên và nguồn lực. Bởi vậy, đề nghị bổ sung thêm một khoản ở Điều 4 với nội dung: “Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào chiến lược phát triển trồng trọt của cấp trên và điều kiện đặc thù, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý về kinh tế - xã hội của địa phương xây dựng chiến lược kế hoạch phát triển trồng trọt để thực hiện”.

Thứ năm, về chính sách của nhà nước đối với trồng trọt. Tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của dự thảo quy định các chính sách. Đại biểu thấy rằng, nước ta trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng đã đạt những thành tựu to lớn, đảm bảo lương thực cho tiêu dùng trong nước. Đồng thời, cũng có một lượng lớn lương thực để xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề an ninh lương thực phải được đặt ra bởi vì vấn đề an ninh lương thực không chỉ đặt cho mỗi quốc gia mà còn là vấn đề toàn cầu. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm chính sách đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh diện tích lúa nước đang dần thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển dịch theo kinh tế sang công nghiệp dịch vụ như hiện nay. Đồng thời nên bổ sung thêm chính sách bảo tồn duy trì khai thác các nguồn gen quý hiếm, nhất là nguồn gen của các giống cây trồng bản địa chưa được bảo tồn và phát triển.

Về sản phẩm nông nghiệp nước ta nói chung và sản phẩm trồng trọt nói riêng, hiện nay luôn ở tình trạng bị động về thị trường tiêu thụ nên tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn diễn ra như một chu kỳ và chúng ta chưa khắc phục được. Đề nghị thêm vào Điều 7 các khoản quy định về chiến lược thị trường, tạo thị trường cho nông sản miền núi, vùng cao trong đó có Tây Nguyên để đồng bào dân tộc thiểu số vùng này tham gia thực chất vào chuỗi giá trị của sản phẩm cây trồng.

Hồ Nam

Chuyên mục khác