Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham gia ý kiến thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

11/06/2019 13:07

Ngày 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại phiên thảo luận này, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - Tô Văn Tám và 23 đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu và 2 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận vào nội dung của dự án luật.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám phát biểu ý kiến thảo luận

 

Theo Đại biểu Tô Văn Tám, thứ nhất, về sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Điều 23 của dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khoản 3a quy định giao Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện với mục tiêu nhằm trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, giữ ổn định, hợp nhất, thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn. Đây là sự đổi mới tư duy quan trọng trong quá trình phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính chủ động của địa phương trong việc thành lập cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc điểm, đặc thù của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ngoài tính đặc thù của mỗi địa phương cần đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức các cơ quan chuyên môn trong tổ chức thuộc chính quyền địa phương. Vì vậy, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định một số cơ quan chuyên môn cứng ở tất cả địa phương, số còn lại tùy thuộc vào từng địa phương để thành lập các cơ quan chuyên môn. Như vậy, đáp ứng được yêu cầu vừa thống nhất, vừa đa dạng trong tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền địa phương.

Lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước đang đặt ra vấn đề chính quyền nhà nước hóa thân vào Đảng và Đảng hóa thân vào chính quyền nhà nước. Nên chăng cần tiếp cận vấn đề này trong sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nếu tiếp cận vấn đề này trong dự thảo, cần tiếp cận bổ sung theo hướng xác định một số nguyên tắc cơ bản nhằm làm cơ sở, nền tảng cho việc sáp nhập một số ngành của chính quyền nhà nước vào một số ban, ngành của cơ quan Đảng khi điều kiện chín muồi, tức là khi điều kiện đã chín muồi ta thực hiện việc này không vướng mắc gì về mặt pháp lý nữa.

Trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Tô Văn Tám có ý kiến đề cập vấn đề phê chuẩn kết quả bầu cử của UBND các cấp: Cấp tỉnh do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn; cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp tỉnh; cấp xã do Chủ tịch UBND cấp huyện. Việc phê chuẩn như vậy là cần thiết để đảm bảo cơ sở pháp lý cho chính quyền địa phương, cho UBND. Nhưng trong khoảng thời gian chờ phê chuẩn, địa vị pháp lý của UBND rõ ràng chưa được xác lập đầy đủ. Như vậy thì giá trị pháp lý của hoạt động quản lý, chấp hành, điều hành của UBND ở đây đặt ra như thế nào? Phải chăng ở đây còn một khoảng trống pháp lý. Nên chăng, ở đây cần xử lý theo hướng bổ sung một quy định là trong thời gian chờ phê chuẩn, UBND được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, như vậy lấp được khoảng trống này.

Thứ hai, về việc giảm số lượng phó chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh và giảm số lượng trưởng, phó ban HĐND cấp tỉnh, quan điểm của Đảng có 2 điểm rất quan trọng, đó là tinh giản nhưng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ở đây, vấn đề là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay. Khi chúng ta bàn về vấn đề có bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường hay không, tính mãi chuyện hiệu quả tại sao ta lại bỏ đi không tính chuyện nâng lên. Sau đó chúng ta lại giữ và theo hướng phải nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Bây giờ vấn đề là bỏ một phó chủ tịch hay bỏ số lượng các trưởng, phó ban chuyên trách. Ở đây không chỉ đơn thuần số lượng, chúng ta phải đánh giá cho được số lượng hoàn thành với công việc hoàn thành thì hiệu quả HĐND có được nâng lên hay không? Nếu giảm đi theo phương án của Chính phủ thì có làm giảm hiệu quả hoạt động của HĐND không hay là nâng lên? Nếu giảm đi mà nâng lên được thì ta giảm... 

Về Thường trực HĐND, trong này có Chánh văn phòng, sắp tới nếu chúng ta nhập 3 văn phòng lại, có thêm Ủy ban nữa thì Chánh Văn phòng này là Thường trực HĐND liệu có ổn không? Vấn đề này cần cân nhắc thêm.

Thứ ba, vấn đề phân cấp, phân quyền là cần thiết và để đảm bảo tính khả thi của vấn đề ủy quyền. Dự thảo đã bổ sung quy định rõ hơn phân cấp, phân quyền phải gắn với trách nhiệm của chính quyền, tổ chức, cá nhân, đảm bảo điều kiện về nguồn lực cho địa phương để thực hiện. Quy định rõ hơn, cụ thể hơn việc ủy quyền các cơ quan, cá nhân được ủy quyền. Trách nhiệm của các cơ quan được ủy quyền và các điều kiện đảm bảo thực hiện. Bổ sung này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 có quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền. Hai giả định này đều không ở thể khẳng định, mà không khẳng định thì tính khả thi của ủy quyền này không cao. Quy định những việc cần ủy quyền khó có thể quy định trong luật, tùy thuộc thực tiễn quá trình quản lý để xác định việc ủy quyền. Dự thảo luật đặt vấn đề "trong trường hợp cần thiết" là phù hợp nhưng khi chủ thể quản lý xác định cần thiết thì khẳng định phải ủy quyền, đảm bảo yêu cầu quản lý và đảm bảo tính thực hiện của ủy quyền.

Hồ Nam

Chuyên mục khác