13/06/2019 18:12
Đại biểu Tô Văn Tám tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án luật này.
Về vị trí, chức năng dân quân tự vệ, tại Điều 2 xác định "vị trí dân quân tự vệ là một thành phần của lực lượng vũ trang, có chức năng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước ở địa phương, cơ sở". Theo đại biểu Tô Văn Tám, vấn đề "tài sản của Nhà nước, địa phương, cơ sở", còn một loại nữa là “tài sản của tổ chức hay của doanh nghiệp” chưa thấy ở đây trong khi chúng ta đang chủ trương thành lập dân quân tự vệ trong các tổ chức và trong cả doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại không đặt vấn đề bảo vệ tài sản cho họ. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nên bổ sung vấn đề này, ngoài tài sản của Nhà nước ở địa phương, cơ sở, nên bảo vệ cả tài sản của tổ chức trong đó có cả doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ của dân quân tự vệ (Điều 5), tại khoản 3 quy định “dân quân tự vệ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”. Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm là cần thiết nhưng ngoài tội phạm còn có những hành vi vi phạm pháp luật khác nữa. Hành vi vi phạm pháp luật có thể là tội phạm nhưng có những hành vi vi phạm pháp luật không phải là tội phạm. Lực lượng dân quân tự vệ không chỉ phòng, chống tội phạm mà phải phòng, chống cả hành vi vi phạm pháp luật khác nữa, nên đề nghị bổ sung vào là "đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”. Tại khoản 5 nêu “bảo vệ và phòng, chống cháy rừng”, nếu chỉ nêu phòng, chống cháy rừng thì chưa toàn diện vì có những xã, phường không có rừng; không những cháy rừng còn cháy các tài sản khác. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nên bổ sung theo hướng phòng, chống cháy nổ bao gồm cháy rừng và các loại cháy khác, như vậy sẽ toàn diện hơn.
Tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, Điều 17 có quy định vấn đề này nhưng đang còn nhiều vấn đề đặt ra cho việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như tính bắt buộc phải thành lập, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở những doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài chưa có hoặc không có tổ chức đảng thì việc đảm bảo này như thế nào như cấp chỉ huy, ban chỉ huy được tổ chức ra sao để đảm bảo vừa có chỉ huy trưởng, chính trị viên trưởng, chính trị viên phó là bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy (theo quy định). Trong các doanh nghiệp chưa có thì xử lý thế nào. Những vấn đề trên chưa được xác định rõ tại các điều 18, 19 và 21. Đề nghị xem xét, quy định rõ hơn để đảm bảo tính khả thi của quy định này. Điều 18, 19, 21 quy định chủ yếu ở xã, phường cấp huyện, doanh nghiệp Nhà nước, khu vực ngoài Nhà nước chưa có, chưa quy định rõ.
Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng cũng như quy định của Hiến pháp là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp thì cần có nhiều vấn đề. Trong đó, có hai vấn đề quan trọng đó là đảm bảo điều kiện cho lực lượng dân quân tự vệ nói chung và dân quân tự vệ trên biển nói riêng; tạo các điều kiện để nhân dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
Đối với vấn đề đảm bảo điều kiện cho dân quân tự vệ, việc quy định chế độ cho lực lượng dân quân tự vệ, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung thích hợp chính sách cho người tham gia dân quân tự vệ nói chung và dân quân tự vệ trên biển nói riêng. Đại biểu Tô Văn Tám nhất trí với những quy định như trong dự thảo và đặc biệt tán thành với quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, hải đảo, trọng điểm quốc phòng như trong dự thảo, quy định như thế là rất cần thiết.
Về vấn đề để công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, tại Điều 10 của dự thảo đã quy định tiêu chuẩn tuyển chọn, việc tuyển chọn công dân tham gia dân quân tự vệ. Các quy định đó là cần thiết, tuy nhiên, ở điểm a, khoản 1 có quy định là lý lịch rõ ràng, được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan tổ chức nơi đăng ký quản lý công dân xác nhận. Vấn đề ở đây là có cần thiết phải thêm một thủ tục xác nhận hay không? Để xử lý vấn đề này, thứ nhất việc xác nhận ở đây là xác nhận về nội dung lý lịch hay xác nhận về hình thức của lý lịch. Nếu xác nhận nội dung của lý lịch thì phải qua một quá trình xác minh rất mất thời gian, trong điều kiện công dân có nhiều quê quán khác nhau, họ lập nghiệp ở cơ sở này, cơ sở khác. Cho nên nếu đi xác nhận nội dung lý lịch rất mất thời gian, đi rất nhiều nơi; còn nếu xác nhận hình thức của lý lịch cũng không cần thiết vì người khai lý lịch phải chịu trách nhiệm về tính trung thực các nội dung trong lý lịch của mình, phải chịu trách nhiệm. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng không nên thêm thủ tục xác nhận nữa mà chỉ quy định là có lý lịch rõ ràng là đủ.
Hồ Nam