06/12/2018 13:53
“Truy” nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư chậm
Như Báo Kon Tum đã thông tin, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh năm 2018 của UBND tỉnh thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu.
Tại phiên thảo luận tổ sáng nay, hầu hết đại biểu đều đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu cho rằng, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội được trình bày tại kỳ họp đã phản ánh toàn diện bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2018; đồng thời với sự quyết liệt, toàn diện, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và sự linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, các ngành chức năng trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, khó khăn và những nội dung cần quan tâm thực hiện tốt trong thời gian tới.
Một vấn đề nổi lên tại các tổ thảo luận, được nhiều đại biểu đề cập là, tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2018.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn năm 2018 là 2.533,32 tỷ đồng, trong đó có 147,033 tỷ đồng từ năm 2017 chuyển sang. Tính đến ngày 31/10/2018, đã giải ngân được 1.111,729 tỷ đồng, đạt 43,74% so với kế hoạch địa phương giao.
Như vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư khá chậm, đây chính là “điểm nghẽn” gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư xã hội, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh…
Trong dự thảo báo cáo trình tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Ngọc Tuấn xác nhận tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển khá chậm.
Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu ứng cử địa bàn huyện Ia H’Drai) ghi nhận việc UBND tỉnh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong lĩnh vực đầu tư phát triển, cũng như đề xuất những giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế. Đại biểu cho rằng, đã đến lúc cần có chế tài xử lý nghiêm và dứt điểm tình trạng giải ngân chậm.
Tôi rất băn khoăn là, năm nào cũng giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm, chúng ta đều nhận thấy rõ điều đó, đều có giải pháp tháo gỡ, rút kinh nghiệm, nhưng sao chậm vẫn hoàn chậm? Không có vốn đã đành, đằng này có vốn nhưng luôn giải ngân chậm, nguyên nhân là do đâu. Không nên rút kinh nghiệm chung chung nữa, mà phải truy nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng - đại biểu Võ Thanh Chín phát biểu quyết liệt.
Cùng chung sự quan tâm về đầu tư phát triển, đại biểu A Vượng cho rằng, tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư phát triển kéo dài năm này qua năm khác một phần là do chưa có chế tài xử lý nghiêm.
"Vấn đề đặt ra ở đây là, UBND tỉnh cần làm rõ lý do tại sao giải ngân vốn chậm so kế hoạch; cơ quan, đơn vị, địa phương nào thực hiện việc giải ngân chậm; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương đó như thế nào; các biện pháp thực hiện tốt kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2019" - đại biểu A Vượng nêu ý kiến.
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đó là sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn yếu nên dẫn đến nhiều sản phẩm nông nghiệp vừa rớt giá, vừa không bán được.
Đại biểu Nguyễn Văn Hòa (Tổ đại biểu ứng cử tại thành phố Kon Tum) đánh giá, Tỉnh ủy, HĐND đã có nhiều nghị quyết chỉ đạo và UBND tỉnh đã có các đề án, kế hoạch về phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhưng trên thực tế đã làm được gì? Ví dụ như hình thành vùng chăn nuôi tập trung, hay dồn đổi tích tụ ruộng đất, tất cả đều chậm chạp, chưa được như mong muốn.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hòa, tỉnh cần có quy hoạch, định hướng cho người dân trồng những loại cây phù hợp và liên kết để tìm đầu ra cho nông sản, giúp người dân không rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Các ngành Nông nghiệp và Công thương cần phối hợp với nhau để có những giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
|
Quan ngại xe độ chế và "tín dụng đen"
Nhiều đại biểu cho hay, đã nhận được phản ánh của cử tri về việc xe máy độ chế, xe máy cày độ chế, có tời vẫn hoành hành ở nhiều địa bàn, được các đối tượng sử dụng để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, dù thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo cương quyết xử lý xe độ chế.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh và các ngành chức năng tập trung triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, xử lý phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh, xử lý còn gặp những khó khăn. Vậy UBND tỉnh cần làm rõ công tác chỉ đạo, trách nhiệm xử lý các xe độ chế trên của cơ quan chức năng, địa phương và biện pháp chỉ đạo xử lý trong thời gian tới - Tổ đại biểu ứng cử tại huyện Đăk Tô kiến nghị.
Liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, Tổ đại biểu ứng cử trên địa bàn huyện Đăk Hà chỉ rõ, hiện dư luận đang rất bức xúc và bất bình trước hoạt động trái pháp luật của các nhóm tín dụng, bảo kê, đòi nợ thuê theo kiểu "xã hội đen"; tình trạng bảo kê nông sản và các cơ sở sản xuất kinh doanh đang ngày càng phổ biến. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng báo cáo kết quả điều tra, xử lý cụ thể và giải pháp xử lý, chấn chỉnh tình trạng này.
Cũng tại phiên thảo luận tổ sáng nay, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề thực hiện thí điểm đưa công an chính quy về làm Trưởng Công an xã, bởi đây là chủ trương lớn, có tác động đến bộ máy ở cơ sở. Đại biểu Y Thanh (Tổ đại biểu ứng cử tại huyện Đăk Glei) cho hay, bản thân rất băn khoăn về việc bố trí công việc lại cho những người từng là trưởng, phó công an xã trước đây.
Các trường hợp này đều được đào tạo, có đầy đủ điều kiện để được bố trí làm công chức xã, nhưng hiện nay bộ máy đã ổn định, định biên công chức xã không tăng, vậy sau khi thôi làm trưởng, phó công an xã thì bố trí công việc như thế nào đối với những trường hợp này? Chúng tôi hiện đang vướng chỗ này- Đại biểu Y Thanh nêu.
Một số đại biểu nêu thực tế "rớt chuẩn" nông thôn mới hiện nay và đề nghị UBND tỉnh xem xét các giải pháp, nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng các tiêu chí...
Chiều nay, 6/12, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục với phần thông qua biên bản thảo luận tổ và giải trình của UBND tỉnh xung quanh các ý kiến của đại biểu; chất vấn và nghe trả lời chất vấn...
Bài, ảnh: Thành Hưng