Đại biểu dân cử và trách nhiệm ở kỳ họp

25/12/2017 18:01

​Quan tâm theo dõi các kỳ họp HĐND tỉnh trong năm 2017, dư luận cho rằng chất lượng ngày càng được nâng cao. Dù là các phiên họp thảo luận ở tổ hay được phát trực tiếp ở hội trường, các đại biểu thảo luận thẳng thắn, đặt hết trách nhiệm, tâm sức xem xét, cho ý kiến về những quyết sách có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển địa phương. Họ chất vấn, đặt câu hỏi đến cùng đối với lãnh đạo các sở, ngành về những vấn đề bức xúc mà người dân đang quan tâm...

Theo dõi các kỳ họp HĐND tỉnh trong năm cho thấy, trước mỗi kỳ họp, hoạt động của đại biểu dân cử đã có nhiều thuận lợi. Tài liệu được chuyển tải lên hệ thống internet kịp thời, giúp các đại biểu dễ dàng cập nhật văn bản dự thảo, lưu trữ, nghiên cứu và sắp xếp các nội dung, ý kiến cần thảo luận, đánh giá, chất vấn, biểu quyết thông qua nhiều vấn đề quan trọng, liên quan đến tình hình phát triển chung của tỉnh nhà.

Cũng nhờ sự chủ động tiếp cận sớm các văn bản trình trước kỳ họp, nên quá trình diễn ra các phiên họp ở tổ và hội trường, hầu hết đại biểu HĐND tỉnh nắm bắt được thông tin sâu rộng, đa chiều lĩnh vực. Các đại biểu sẵn sàng chia sẻ thông tin, trả lời câu hỏi phỏng vấn với báo chí, mà không từ chối khéo: Hãy chờ chúng tôi đặt câu hỏi ở phiên họp chất vấn - trả lời chất vấn tại hội trường.

Đặc biệt, ở nhiệm kỳ 2016-2021 HĐND tỉnh khóa XI, có nhiều đại biểu tích cực, thể hiện rõ trách nhiệm dân cử chuyển tải kiến nghị (hoặc đề xuất), đặt câu hỏi thẳng, nêu vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm đến sở, ban, ngành tỉnh giải quyết chưa tốt, hoặc trả lời chưa thỏa đáng tại các kỳ họp.

Đại biểu Võ Thanh Chín tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XI. Ảnh: M.T

 

Chia sẻ việc thường xuyên tham gia chất vấn tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, đại biểu Võ Thanh Chín nói: Tôi đặt ra những câu hỏi đều xuất phát từ ý nguyện của cử tri kiến nghị lên. Chẳng hạn trước kỳ họp thứ 4 (vào tháng 7/2017), bà con phản ánh buôn bán tràn lan, các ngành chức năng ở đâu, sao không vào cuộc kiểm chứng thật giả các loại hồng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh mà tư thương giới thiệu có xuất xứ từ tỉnh Kon Tum; vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm và thiếu sự kiểm soát, kiểm tra mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đang bị làm giả, tung hoành ở nhiều vùng nông thôn, nhưng chưa thấy ngành chức năng kiểm tra, xử lý.

Theo ông Chín, các câu hỏi dân cử nêu ra trước và sau mỗi kỳ họp, Tổ đại biểu HĐND tỉnh sinh hoạt cơ sở đều tổng hợp, gửi về các sở ngành chức năng liên quan xem xét giải quyết.

Với tư cách đại biểu, ông Chín nhận định, thời gian gần đây, đơn vị chức năng có quan tâm chỉ đạo, tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và giải quyết vấn đề dân nêu khá tích cực.

Cụ thể sau kỳ họp thứ 4 giữa năm 2017 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, địa phương đã thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, có xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những địa chỉ kinh doanh giả mạo, tự gắn “mác” sâm Ngọc Linh.

Đến các cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi, ngành chức năng cũng đột xuất lấy mẫu kiểm định, để “chỉ mặt, nêu tên” những địa chỉ có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, trên phương tiện truyền thông cho nhân dân biết.

Các đơn vị kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng nông sản sạch, hay chuyên cung cấp mặt hàng tươi sống chế biến sẵn không đảm bảo an toàn vệ sinh, các sở ngành cũng vào cuộc thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm và có văn bản nêu rõ địa chỉ tin cậy chuyển đến các cơ quan nhà nước, UBND các địa phương thông tin kịp thời.

Mặc dù vậy, đại biểu Y Vol - Tổ đại biểu HĐND huyện Sa Thầy cho rằng còn một số sở ngành, địa phương chưa chấp hành sự chỉ đạo của UBND tỉnh, HĐND tỉnh để phối hợp tốt, xử lý dứt điểm bức xúc, kiến nghị cử tri. Chị thông tin: Người dân xã Sa Nhơn kiến nghị Nhà máy chế biến mủ cao su An Phú Thịnh xả chất thải bẩn trong quá trình sản xuất ra đồng ruộng không chỉ làm ô nhiễm môi trường đất sản xuất, mà mùi hôi thối còn bủa vây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân ở xã. Tuy nhiên kiến nghị của bà con lần lượt được tổng hợp, gửi đến ngành chức năng kiểm tra, giải quyết trước kỳ họp thứ 3 (cuối năm 2016); nhưng đến kỳ họp thứ 4 và 5 HĐND tỉnh khóa XI, nhân dân vẫn kêu ca về Nhà máy An Phú Thịnh.

Đại biểu Y Vol nêu: Sở Tài nguyên - Môi trường đã chủ trì xử lý vụ việc trên với việc thanh tra, tham mưu tỉnh xử phạt 5 lần với tổng số tiền hơn 110 triệu đồng đối với Nhà máy An Phú Thịnh về các lỗi vận hành hoạt động thử nghiệm, thi công máy móc dây chuyền chế biến mủ nước gây ô nhiễm môi trường, khi chưa có ý kiến kiểm định đạt quy chuẩn cho phép hoạt động của ngành chức năng. Tuy nhiên, đến nay, nhà máy vẫn ngang nhiên hoạt động, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Ngành chức năng vẫn loay hoay đi theo giám sát…

Nhiều đại biểu trong các phiên thảo luận ở hội trường cũng đồng tình, đề xuất lãnh đạo ngành chức năng dám “hứa” trước cử tri, có biện pháp mạnh, cứng rắn xử lý dứt điểm tồn tại trên để tiến đến kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh giữa năm 2018, nội dung kiến nghị cử tri sẽ không nhắc đến vấn đề này nữa.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, đơn vị đã nỗ lực giám sát, phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương xử lý, làm hạn chế những bất cập, tồn tại trên. Song, muốn giải quyết dứt điểm thì đơn phương đơn vị thực hiện không nổi, mà phải có sự quan tâm chỉ đạo tích cực và song hành của chính quyền các cấp...

Theo dõi mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri gửi tâm ý, mong các đại biểu dân cử tiếp tục thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm, trí tuệ đưa tiếng nói, sự kỳ vọng của người dân vào các phát biểu, bàn luận, đánh giá và phân tích những vấn đề, công tác quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn, sâu rộng đến phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng địa phương, góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Mai Trâm 

Chuyên mục khác