Công điện của Thủ tướng: Khẩn trương ứng phó bão số 9

27/10/2020 18:40

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện 1490/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9.

 

Nội dung công điện như sau:

Bão số 9 cùng với cơn bão Xangsane (2006) dự báo là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm gần đây có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung bộ và Tây nguyên nước ta. Bão hiện đang di chuyển nhanh với sức gió cường độ cấp 13-14, giật cấp 17, sóng có nơi lên cao tới 6-8m, phạm vi ảnh hưởng rộng, đổ bộ vào thời điểm triều cường, vô cùng nguy hiểm. Sau bão là mưa to, rất to, Nam Nghệ An, Hà Tĩnh có thể lên tới 500-700mm.

Đêm nay (ngày 27 tháng 10) và ngày mai bão sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến các địa phương ven biển miền Trung, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Để ứng phó với bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão theo Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo tiền phương, trong đó tập trung các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông vận tải tiếp tục rà soát kỹ, không để sót tàu thuyền trong vùng nguy hiểm. Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú.

- Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, các khu dân cư vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, bãi ngang có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu hoặc tác động trực tiếp của sóng,.... Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

- Chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, triển khai phương án bảo vệ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch để hạn chế thiệt hại do bão.

- Chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra đường trong đêm nay và ngày mai. Trường hợp cần thiết có thể cho nghỉ làm, nghỉ học. Kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông, hạn chế các phương tiện từ các địa phương khác đi vào vùng tâm bão trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền.

- Triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ trước, trong và sau bão, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.

- Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

2. Các Bộ: Quốc phòng, Công an và các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.

Theo Chinhphu.vn

Chuyên mục khác