17/04/2023 14:33
|
Tại Chương trình, đại diện Sở Kế hoạch-Đầu tư báo cáo về tình hình tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay.
Theo đó, tính đến ngày 10/4, Sở Kế hoạch-Đầu tư ghi nhận 102 vấn đề vướng mắc khó khăn từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (năm 2022 có 84 vấn đề, năm 2023 có 18 vấn đề). Đến nay, có 101 vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giải quyết.
|
Tại Chương trình, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh ý kiến, kiến nghị về các vấn đề như: Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh homestay cho các cơ sở, hộ gia đình; kiến nghị về việc quy hoạch sử dụng đất của một số huyện, thành phố chưa tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã; thủ tục hành chính về cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu tại một số địa phương chưa thực hiện đúng theo thời hạn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã; kiến nghị việc triển khai thu thuế và hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với các cá nhân chưa đến ngưỡng phải nộp thuế là không cần thiết, gây áp lực công việc đối với ngành thuế và doanh nghiệp; đề nghị cơ quan chức năng kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục liên quan đến gỗ rừng trồng, gỗ từ cây công nghiệp (cây cao su), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ dân trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến...
Các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, UBND huyện Kon Plông kịp thời thông tin, trao đổi, giải thích tại Chương trình.
|
Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời khẳng định, đây là những thông tin quý báu để UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương vào cuộc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường hoạt động đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chương trình, kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực (nhất là về đất đai) giữa các thành phần doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao tính minh bạch thông tin trong hoạt động đầu tư, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực vào địa bàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tấn Lộc