Chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Ia H’Drai

11/03/2020 06:08

Cách đây tròn 5 năm (11/3/2015-11/3/2020), huyện biên giới Ia H’Drai được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Những ngày đầu mới thành lập, điểm xuất phát rất thấp, với nỗ lực vượt qua bao khó khăn của Đảng bộ, quân và dân huyện, đến nay diện mạo huyện nhà đã có những khởi sắc. Nhân dịp này, phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thạch - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai.

Phóng viên:  Vượt qua bao khó khăn của những ngày đầu thành lập huyện, ông cho biết những đột phá của Đảng bộ, chính quyền huyện để xây dựng và phát triển huyện nhà?

Ông Nguyễn Hữu Thạch: Trước những khó khăn mọi bề của những ngày đầu thành lập huyện, Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ huyện Ia H’Drai đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đột phá: Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; nhanh chóng củng cố kiện toàn hệ thống chính trị; huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng hoàn thành về hạ tầng trung tâm hành chính huyện và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc tập trung; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.

Ông Nguyễn Hữu Thạch tại Đại hội điểm Đảng bộ xã Ia Tơi nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: ĐN

 

Phóng viên: Ông có thể cho biết khái quát những thành tựu của huyện đã đạt được trong 5 năm qua?

Ông Nguyễn Hữu Thạch: Qua 5 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ia H’Drai đã chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, bước đầu đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng không ngừng được cải thiện, nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường, diện mạo huyện biên giới Ia H’Drai đang dần khởi sắc.

Từ một vùng độc canh cây cao su với hơn 24 nghìn héc ta, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2015 chỉ đạt hơn 401 tỷ đồng, đàn gia súc chỉ hơn 1,5 nghìn con, đàn gia cầm hơn 16 nghìn con và 11,5 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng 80,5 tấn, sản lượng khai thác tự nhiên đạt 30 tấn. Đến nay, sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản đã phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Người dân đã mạnh dạn đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế để nuôi, trồng như chăn nuôi bò, dê, cá chình bông, cá lăng… trồng các loại cây cà phê, mít, bưởi, cam,… và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong nuôi, trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Trung tâm huyện Ia H'Drai hôm nay. Ảnh: Thế Binh

 

Đến nay, diện tích gieo trồng trên địa bàn gần 28 nghìn héc ta, chăn nuôi phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 3,6%, tổng đàn gia súc hơn 6 nghìn con, tăng 220%, tổng đàn gia cầm 35 nghìn con, tăng 172% đầu kỳ. Tổng diện tích ao, hồ nuôi thủy sản 28 ha, tăng 183%, sản lượng thủy sản hơn 212 tấn, tăng 192% đầu kỳ; có 85 lồng nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sê San đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hơn 59 nghìn héc ta diện tích rừng tự nhiên được duy trì, bảo vệ tốt, tỷ lệ độ che phủ rừng 85,67%. 

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, trong 5 năm, đã hình thành thêm 15 cơ sở sản xuất, khai thác, chế biến, thành lập 5 hợp tác xã hoạt động kinh doanh đa ngành nghề. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương còn khó khăn, huyện Ia H’Drai đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn để tạo nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng. Các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm và các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường vào khu sản xuất tập trung; các dự án khai thác quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện, dự án cầu Drai, công trình cấp nước sinh hoạt... được ưu tiên triển khai đầu tư góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đổi thay ở xã Ia Dom. Ảnh: Thế Binh

 

Cùng với đó, hoạt động thương mại - dịch vụ được quan tâm mở rộng. Hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn ngày càng hiệu quả; dịch vụ vận tải bước đầu có sự phát triển, số phương tiện vận tải hàng hóa và vận tải hành khách đều tăng hằng năm. Các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như đại lý xăng dầu, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, bước đầu đã hình thành. Dịch vụ Bưu chính viễn thông, hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư theo hướng đồng bộ, các dịch vụ về thông tin, thiết bị điện tử, tin học,... được ứng dụng rộng rãi vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 100% các cơ quan Đảng và chính quyền đã kết nối mạng truyền số liệu; đã bước đầu hình thành việc cung ứng các dịch vụ công đến người dân và tổ chức, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 3 trường mầm non công lập, 1 trường mầm non tư thục, 3 trường TH-THCS, 1 trường PTDTNT với trên 2.600 học sinh, 3 trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập ở các cấp học của học sinh, thực hiện xây dựng xã hội học tập. Hằng năm, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 98%, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 98,2%.

Du khách tham quan lòng hồ thủy điện Sê San 4. Ảnh: Thế Binh

 

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đầu tư, xây dựng; đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở được nâng cao trình độ chuyên môn và y đức; 3/3 xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn y tế Quốc gia giai đoạn 1, 21/21 thôn đã có nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.

Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được đẩy mạnh, góp phần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được phát triển sâu rộng, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường nhờ việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của các ngành, địa phương...

Khám chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Thế Binh

 

Bên cạnh đó, huyện đã tích cực triển khai giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân 5-6%/năm. Chính sách người có công và an sinh xã hội được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện cũng chú trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội thông qua việc xây dựng, củng cố quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Mối quan hệ hợp tác với các huyện Đun Mia và Tà Veng, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia luôn được tăng cường, củng cố, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai bên.

Chế biến đặc sản bánh tráng cá cơm tại làng chài. Ảnh: Thế Binh

 

Quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, những năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng đúng mức. Tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên, công tác dân vận trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, phong cách, lề lối làm việc từng bước được đổi mới. Qua 5 năm củng cố, xây dựng, đến nay toàn Đảng bộ có 23 tổ chức cơ sở đảng, với 510 đảng viên, không còn thôn, làng chưa có tổ chức cơ sở đảng.

Trong nhiệm kỳ đã thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng hợp nhất các cơ quan Đảng, Nhà nước có chức năng tương đồng, một số phòng kiêm nhiệm chức năng đơn vị khác… đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tăng tính liên thông trong giải quyết công việc, thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, giao ban trực tuyến đến 3/3 xã, tiết kiệm chi ngân sách cho hoạt động bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn. Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có bước đổi mới; công tác quản lý nhà nước, hiệu lực, hiệu quả điều hành của ủy ban nhân dân các cấp được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới trong hoạt động, góp phần tích cực cùng Đảng bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thiếu nữ người Thái ở Ia H'Drai ném còn. Ảnh: Thế Binh

 

Phóng viên: Phát huy những kết quả đạt được, trong tương lai, huyện có những định hướng nào để thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển huyện nhà trở thành một đô thị giàu, đẹp nơi vùng biên giới?

Ông Nguyễn Hữu Thạch: Để đạt được mục tiêu mà nhà báo đề cập, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau: Đó là xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị tâm huyết, biết trăn trở, tận tụy vì sự phát triển của huyện, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị huyện, xã, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, thuận tiện cho công dân, tổ chức và sớm hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Tập trung phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư chế biến sâu mủ cao su, nuôi trồng và chế biến thủy sản nước ngọt lòng hồ thủy điện Sê San; hoàn thành việc giao rừng gắn với giao đất và tạo sinh kế cho người dân, thành lập các hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, kết nối các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Khai thác một số điểm du lịch lòng hồ, thác nước, dã ngoại… và thưởng thức văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng về cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tiếp tục phát triển các khu, điểm dân cư với hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút, sắp xếp dân cư vào địa bàn; xây dựng các điểm dân cư xanh, sạch, thân thiện môi trường, kiểu mẫu vùng biên giới. Hướng đến xây dựng trung tâm huyện thành “khu hành chính thông minh” vào cuối năm 2020.

Coi trọng phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; chăm lo phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, truyền thông và khoa học công nghệ. Phát huy có hiệu quả bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn để tạo việc làm và thu nhập cho nghệ nhân. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; xây dựng huyện biên giới bình yên, an toàn cho cuộc sống người dân, du khách và nhà đầu tư.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.   

Đức Nhuận (thực hiện)

Chuyên mục khác