Chung sức, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm bản lề

01/02/2022 06:22

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025). Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đoàn kết, sự thống nhất trong ý chí và hành đồng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã giành được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Phấn khởi, tự hào trước thành quả đã đạt được, trước thềm xuân mới Nhâm Dần 2022, đồng chí A Pớt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã dành cho Báo Kon Tum buổi phỏng vấn để chia sẻ về những nỗ lực, thành công; đồng thời, nhận định về cơ hội, thách thức và quyết tâm của tỉnh trong năm mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị của giai đoạn 2020-2025.

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2021 mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19; nhưng với quyết tâm, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta đã hoàn thành “mục tiêu kép”, giữ vững “vùng xanh”. Xin đồng chí cho biết về những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế-xã hội mà Kon Tum đã gặt hái được trong năm qua?

Đồng chí A Pớt: Năm 2021, cùng với cả nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, chúng ta đã thực hiện được “mục tiêu kép”, đó là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

Đa số các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 16.051 tỷ đồng (tăng 6,47% so với năm trước); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20.000 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); thu ngân sách nhà nước 3.500 tỷ đồng (đạt 100% dự toán địa phương giao, bằng 115,5% so với năm trước); GRDP bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng năm 2020 lên 47,1 triệu đồng.

Diện tích các cây trồng của tỉnh như cây lương thực, cà phê, cao su, cây ăn quả, cây mắc ca, trồng mới rừng và cây phân tán đạt và vượt kế hoạch đề ra; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì tương đối ổn định. Chất lượng giáo dục-đào tạo có chuyển biến, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng so với năm trước.

Đặc biệt, đã triển khai và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; công tác hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được triển khai kịp thời, đúng đối tượng.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường. Công tác dân vận chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả.

Để đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đồng chí A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: Thùy Hương


Phóng viên: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021, chúng ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vậy theo đồng chí những hạn chế, yếu kém trong năm qua được xác định là những điểm nào, lĩnh vực nào? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Đồng chí A Pớt: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận đánh giá năm 2021, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể: Một số chỉ tiêu chủ yếu như tăng trưởng kinh tế, thành lập mới doanh nghiệp, diện tích trồng mới sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác... chưa đạt kế hoạch đề ra. 

Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, tiến độ đầu tư các dự án trọng tâm của tỉnh còn chậm; các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính cải thiện chậm.

Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp còn xảy ra ở một số địa phương; tội phạm về trật tự xã hội có chiều hướng gia tăng. Việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội có lúc còn bị động. Công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan thông tấn, báo chí có lúc chưa kịp thời. Công tác vận động quần chúng có lúc, có việc hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế trên là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan là quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội, sản xuất kinh doanh, nhất là các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ.

Nguyên nhân chủ quan là do các cấp, các ngành chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò, trách nhiệm, tính năng động, tiên phong của người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa được phát huy đầy đủ.

Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, cấp ủy, chính quyền địa phương trong bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, đồng bộ nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn...

Đây là những vấn đề mà các cấp, các ngành, nhất là các người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần phải nghiêm túc nhìn nhận và quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong thời gian tới.

Đồng chí A Pớt phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Ảnh: H.T

 

Phóng viên: Năm 2021 công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, qua đó, đạt được những kết quả tích cực; vậy đồng chí đánh giá như thế nào về việc thực hiện nhiệm vụ này?

Đồng chí A Pớt: Trong năm qua, công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo đúng tiến độ, quy định theo Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị.

Kịp thời tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chuyên đề riêng của tỉnh năm 2021 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao trách nhiệm; năng động, sáng tạo; khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, phân công, bố trí, sử dụng cán bộ được quan tâm triển khai kịp thời, đúng quy định.

Trong năm 2021, đã kết nạp được 937 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 29.738 đồng chí. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng tiếp tục được nâng lên, lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được tăng cường. Trong năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng, 167 đảng viên, qua đó góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Công tác dân vận của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đã phát động và tập trung triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Những thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

 
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh VP

 

Phóng viên: Phát huy những kết quả đạt được của năm qua, để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; trong năm 2022 tỉnh ta sẽ tập trung thực hiện những mục tiêu, giải pháp trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Đồng chí A Pớt: Năm 2022 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đảng bộ tỉnh thống nhất đề ra các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu của năm 2022, đó là: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 23.000 tỷ đồng trở lên; tập trung trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh và 2.000 ha các cây dược liệu khác; trồng mới trên 4.000 ha rừng; phấn đấu có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giải quyết việc làm cho trên 5.800 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 4%…

Để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chúng ta phải huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó: Chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Tiếp tục đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư vào vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XVI về phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và phát triển lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn với tinh thần chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư. Triển khai kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững...

Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn, phát huy có hiệu quả các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Đẩy nhanh công tác giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm. Thực hiện tốt công tác quản lý đường biên, cột mốc, vùng dân cư biên giới. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Đẩy mạnh, đấu tranh có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, các hành vi tham nhũng.

Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị “về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động theo quy định. Không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Phóng viên: Nhân dịp năm mới, đồng chí có thông điệp gì nhắn gửi đến cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh?

Đồng chí A Pớt: Năm Tân Sửu vừa đi qua, cánh cửa Xuân Nhâm Dần đã mở. Thời cơ, vận hội đối với tỉnh ta trong năm 2022 rất lớn nhưng dự báo cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tôi tin tưởng và mong rằng, từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hăng say thi đua lao động sản xuất và công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra, quyết tâm xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi tới cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đang làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh lời chúc mừng năm mới MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC, AN KHANG, THỊNH VƯỢNG.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí, kính chúc đồng chí cùng gia đình một năm mới sức khỏe, an khang và hạnh phúc!

Thùy Hương (thực hiện)

Chuyên mục khác