Chung sức, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023

23/01/2023 06:37

Năm 2022 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là biến động về giá cả nguyên vật liệu và dịch bệnh, thiên tai, song với sự đoàn kết, thống nhất và tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Phấn khởi, tự hào trước thành quả đã đạt được, trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, đồng chí A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã dành cho Báo Kon Tum buổi phỏng vấn để chia sẻ về những nỗ lực, thành công; đồng thời, nhận định về cơ hội, thách thức và quyết tâm của tỉnh trong năm mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy điều hành Hội nghị lần thứ chín BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng). Ảnh: T.V.P

 

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2022 mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của giá cả nguyên vật liệu, thiên tai, dịch bệnh; nhưng với quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022 đề ra. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội mà tỉnh Kon Tum đã gặt hái được trong năm qua?

Đồng chí A Pớt: Năm 2022, cùng với cả nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá cả nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương, sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Đa số các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 23.190 tỷ đồng (đạt 100,8% kế hoạch); thu ngân sách nhà nước 4.000 tỷ đồng (đạt 100% dự toán địa phương giao, bằng 109,3% so với năm trước); GRDP bình quân đầu người 52,43 triệu đồng, đạt 100,83% kế hoạch, tăng 5,65 triệu đồng so với năm 2021; đã trồng mới hơn 5.192 ha rừng, đạt 115,4% kế hoạch; thu hút được 1.100.000 lượt khách du lịch, đạt 122,2% kế hoạch và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng Đoàn công tác thăm các mô hình sản xuất ở Đăk Nên. Ảnh: THANH HÀ 

 

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định. Trong năm 2022, đã kết nạp được 1.022 đảng viên mới, đạt 102,2% kế hoạch, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 31.157 đồng chí. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng tiếp tục được nâng lên, lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường. Công tác dân vận chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ngày càng hướng về cơ sở. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên đạt 81%, vượt kế hoạch đề ra. Để đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Năm 2023 là năm tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng, mang tính chiến lược của tỉnh, vậy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu đột phá, giải pháp gì để huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững?

Đồng chí A Pớt: Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đảng bộ tỉnh thống nhất đề ra các chỉ tiêu trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2023, đó là: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt trên 57 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 27.000 tỷ đồng trở lên; trồng mới 1.100 ha cây ăn quả; 1.000 ha cây mắc ca; 500 ha sâm Ngọc Linh; 900 ha cây dược liệu khác; trồng mới trên 4.000 ha rừng; phấn đấu có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 4%; kết nạp mới trên 1.000 đảng viên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 75%; trên 86% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên…

Để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt và đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn thăm mô hình phát triển kinh tế ở xã Pô Kô (huyện Đăk Tô). Ảnh: TẤT THÀNH

 

Tỉnh ủy đã xác định phải tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy hoạch để thực hiện công tác thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư mới các cụm công nghiệp mới trên địa bàn thành phố Kon Tum. Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gỗ, trái cây, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp...  Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, gắn với quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Chú trọng phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương, nhất là những vùng chuyên canh nông nghiệp, sản xuất hàng hóa.

Tiếp tục rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị dạy học đảm bảo chuẩn hóa, đồng bộ. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng y tế, nhất là tuyến cơ sở. Chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, như: Ngục Kon Tum; Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy, Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh... Thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; trong đó, tập trung triển khai các chương trình, dự án để giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, nhất là đồng bào DTTS.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng sả Java tại xã Ngọk Tem (huyện Kon Plông). Ảnh: V.P 

 

Bên cạnh đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trọng tâm là xây dựng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”, gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động theo quy định. Chủ động điều tra, nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời định hướng; nâng cao chất lượng công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, trọng tâm là tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với tuyên truyền, vận động xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS và xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong cộng đồng dân cư.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn kiểm tra Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH. Ảnh: V.P

 

Phóng viên: Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, trong niềm hân hoan đón chào năm mới, đồng chí có những tâm huyết gì gửi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh?

Đồng chí A Pớt: Năm Nhâm Dần vừa đi qua, cánh cửa Xuân Quý Mão đã mở. Thời cơ, vận hội đối với tỉnh ta trong năm 2023 rất lớn, nhưng dự báo cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tôi tin tưởng và mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hăng say thi đua lao động sản xuất và công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra, quyết tâm xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Nhân dịp năm mới Quý Mão, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi tới cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đang làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí. Kính chúc đồng chí cùng gia đình một năm mới sức khỏe, an khang và hạnh phúc!

Dương Đức Nhuận (thực hiện)

Chuyên mục khác