30/12/2014 15:09
|
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế năm 2014 ước đạt 5,98%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 1,84% so với tháng 12/2013, bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 1.220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước, bằng 31% GDP; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cả năm 2014 ước đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá, ước giải ngân cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số lĩnh vực chưa đạt được kết quả như mong muốn, như: hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao; tỷ lệ lao đông qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, ngập lụt còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, cháy nổ, cháy rừng, chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp…
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đã có 13/14 chỉ tiêu được giao Chính phủ đã hoàn thành (chỉ có 1 chỉ tiêu lao động qua đào tạo còn chưa đạt), qua đó tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Nhìn nhận về các mặt hạn chế, Thủ tướng cho rằng, kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật vững chắc, nên không được chủ quan. Đặc biệt, ngân sách thu vượt dự toán 10% nhưng cơ cấu chi vẫn còn đáng lo, chủ yếu chi thường xuyên, còn chi đầu tư giảm, trong khi nhu cầu đầu tư đang cấp thiết. Bên cạnh đó, chất lượng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện triệt để. Một số vấn đề xã hội, dân sinh còn để lại nhiều bức xúc trong dân; tệ nạn xã hội còn nhức nhối, người dân bức xúc; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn khá nghiêm trọng…
Về định hướng điều hành kinh tế- xã hội năm 2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2015 là: GDP tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP…
Để đạt mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước NHNN cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các vi phạm...
Theo định hướng của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương phân bổ, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…
LS