Bước chuyển mạnh mẽ

08/08/2016 10:27

25 năm với không ít đổi thay, biến động của tình hình trong nước và trên thế giới, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng cực bắc Tây Nguyên đã thắt chặt đoàn kết, đồng thuận nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách tạo bước chuyển mạnh mẽ đưa tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển.

Ngày 12/8/2016 đánh dấu 25 năm thành lập lại tỉnh Kon Tum. Hơn hai thập kỷ đi qua với không ít đổi thay, biến động của tình hình trong nước và trên thế giới, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng cực bắc Tây Nguyên đã thắt chặt đoàn kết, đồng thuận nỗ lực, quyết tâm vượt qua bao khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước chuyển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, đưa tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển.

Từ chưa đầy 50 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, với khoảng 243.660 dân; sau 25 năm thành lập lại, tỉnh Kon Tum đã phát triển lên 102 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố với dân số hơn 495.800 người. Gia tăng dân số là điều kiện tất yếu để hình thành và phát triển nhiều khu dân cư mới, nhằm khai thác tiềm năng đất đai để phát triển không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà đồng bộ cả lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.

Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 1992 (theo giá so sánh 1994) ước đạt 3.293 tỷ đồng; năm 2015, gấp gần ba lần, tính theo giá so sánh năm 2010, đạt 10.442 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ bình quân mỗi năm 8,2% trong giai đoạn 1991-1995, lên bình quân mỗi năm gần 14% giai đoạn 2011-2015. Thu nhập bình quân đầu người gia tăng vượt bậc, từ chưa đầy 3.000.000 đồng vào năm 2002, lên 29.811.000 đồng năm 2015.

Ba tháng đầu tiên sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập laị, quý IV/1991, thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn chưa đầy 3,7 tỷ đồng. Năm 1992, con số này đã lên gần 24,8 tỷ đồng, năm 2015 là 1.644 tỷ đồng - gấp trên 60 lần. Vốn đầu tư phát triển năm 1991 khoảng 32 tỷ 891 tỷ đồng, năm 2015 đạt 8.560 tỷ đồng, gấp trên 250 lần.

Mở đường tới vùng sâu. Ảnh: TN

 

Điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng quỹ đất đa dạng, lao động dồi dào là cơ sở để phát triển thế mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 1991, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 35.135ha, bao gồm 30.724ha cây hàng năm (với 20.534ha cây lương thực, 1.762ha cây công nghiệp hàng năm), 4.411ha cây lâu năm (với 4.031ha cây công nghiệp, cây ăn quả 270ha). Sau 25 năm, tổng diện tích cây trồng của toàn tỉnh được mở rộng gần 5 lần, đạt 168.749ha, bao gồm 75.233ha cây hàng năm, 93.516ha cây lâu năm. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 74.776ha cây cao su, trong đó 31.600ha cho thu hoạch; 15.265ha cây cà phê, trong đó 12.910ha kinh doanh. Năm 1991, trong tổng diện tích cây lương thực có hạt 20.534ha, ngoài 17.829ha lúa, còn có 2.705ha bắp. Năm 2015, trong tổng diện tích cây lương thực có hạt, cây lúa ổn định 24.399ha, cây bắp 6.361ha. Năm 1991, trong số 17.829ha lúa, có 2.686ha lúa đông xuân, lúa mùa 15.143ha. Năm 2015, lúa đông xuân đạt 7.586ha, lúa mùa 16.813ha, nâng tổng diện tích cây lúa của tỉnh lên 24.399ha. Riêng cây mì, trong vòng 25 năm, từ 6.532ha đã được mở rộng lên 39.486ha, tăng hơn 6 lần.

Sau 25 năm, tổng diện tích cây trồng của toàn tỉnh được mở rộng gần 5 lần, đạt 168.749ha. Ảnh: TN

 

Song song với mở rộng diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng gia tăng ấn tượng. Năm 1991, năng suất lúa đạt 23,8 tạ/ha; trong đó, vụ đông xuân đạt 37,9 tạ/ha, vụ mùa 21,31 tạ/ha. Sản lượng lúa 42.415 tấn, gồm 10.182 tấn vụ đông xuân, 32.269 tấn mùa. Năm 2015, năng suất lúa 37,5 tạ/ha; trong đó, lúa vụ đông xuân đạt trên 47,1 tạ/ha, lúa vụ mùa 33,19 tạ/ha. Sản lượng lúa đạt 91.557ha, gồm 35.751 tấn lúa đông xuân, 1.813 tấn lúa vụ mùa. Tính riêng sản lượng lương thực có hạt, năm 1991, toàn tỉnh đạt khoảng 46,036 tấn, gồm lúa 42.451 tấn, bắp 3.558 tấn; năm 2015, đạt 115.800 tấn, gồm 91.557 tấn lúa, 24.243 tấn bắp.

Từ 324 doanh nghiệp vào năm đầu thành lập lại, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển hơn 2.000 doanh nghiệp với tổng vốn trên 11.500 tỷ đồng. Sự phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp là điều kiện thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp từ 55,4 tỷ đồng trong năm 1991 lên 4.150 tỷ đồng vào năm 2015.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa- xã hội được quan tâm đầu tư, tạo chuyển biến đáng kể. Năm học 1991- 1992, toàn tỉnh có 118 trường học với 34.813 học sinh, 1.237 giáo viên. Năm học 2015-2016, ổn định 400 trường học với trên 143.000 học sinh, 1.655 giáo viên. Trong năm đầu thành lập lại, toàn tỉnh còn 108 làng “trắng” về giáo dục, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vẫn còn là mục tiêu phấn đấu. Hiện tại, mạng lưới trường lớp không chỉ phát triển rộng khắp đến tận khu dân cư, mà chất lượng giáo dục các ngành học, bậc học, nhất là chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS đã được nâng lên đáng kể. Kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là những điểm nhấn đáng tự hào.

Trong lĩnh vực y tế, toàn tỉnh có 6 bệnh viện, 4 phòng khám đa khoa, 65 trạm y tế xã/phường/thị trấn là số liệu tổng hợp năm 1991. Năm 2015, toàn tỉnh phát triển 133 cơ sở y tế, gồm 13 bệnh viện, 14 phòng khám khu vực, 102 trạm y tế xã/ phường/thị trấn. 25 năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tăng mạnh từ 390 người, gồm 49 bác sĩ, 142 y sĩ, 179 y tá, lên 1.963 người, trong đó, có 519 bác sĩ, 413 y sĩ, 775 y tá... Tổng số giường bệnh tăng từ 885 lên 1.908. Toàn tỉnh đạt tỷ lệ 10 bác sĩ trên 1 vạn dân.

Tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, so với con số khoảng 63% xã/phường/thị trấn có đường ô tô đến UBND xã và 12% xã/phường/thị trấn được dùng điện vào năm 1991; đến nay, chuyển biến tích cực sau 25 năm là bức tranh đậm nét. Trên địa bàn tỉnh, chẳng những đường ô tô đến trung tâm và điện lưới quốc gia đã phủ đến tất cả các xã, mà chất lượng đường xá, hiệu quả sử dụng điện cũng được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% trong những năm đầu thành lập lại tỉnh, được quan tâm giảm đều qua từng năm, từng giai đoạn 5 năm; đến cuối năm 2015, còn 11,5% tính theo chuẩn giai đoạn 2011-2015, và hiện còn 30% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 đang được tập trung giải quyết.

Một góc thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: TB

 

25 năm sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ghi dấu hơn một phần tư thời gian trong chặng đường 103 năm hình thành và phát triển tỉnh Kon Tum. Còn nhiều còn số ấn tượng được tổng hợp, góp phần làm sinh động thêm bức tranh kinh tế - xã hội phong phú và thế mạnh quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc ở vùng Bắc Tây Nguyên. Chuyển biến tích cực và dấu ấn những thành tựu đáng tự hào sau 2,5 thập kỷ nỗ lực dựng xây là hành trang quý báu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tự tin, tiếp tục vững bước trên hành trình đi tới, vì mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thanh Như

Chuyên mục khác