25/12/2021 13:57
Dự tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
|
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các đơn vị trong ngành giao thông vận tải.
Năm 2021 là năm khởi đầu của Kế hoach phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất- kinh doanh và đời sống nhân dân, nhưng ngay từ đầu năm 2021, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT đã tập trung hoàn thành trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Chính phủ. Bên cạnh việc đó, Bộ cũng triển khai các đề án, quy hoạch, công tác phân cấp, phan quyền trong lĩnh vực GTVT được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Trong năm, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp vận tải nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất- kinh doanh; chỉ đạo, triển khai tổ chức hoạt động vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ GTVT tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia...
Tính đến hết tháng 11/2021, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.471 triệu tấn hàng, giảm 8% so với cùng kỳ; vận tải hành khách đạt 2.268 triệu lượt khách, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 12 tháng năm 2021 là 703 triệu tấn, tăng 25 so với cùng kỳ…
Công tác đảm bảo trật tự ATGT, giảm ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, quyết liệt nên đã góp phần giảm cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương (giảm 24,72% số vụ, giảm 17,76% số người chết, giảm 29,47%.số người bị thương). Công tác chuẩn bị các nguồn lực, chuẩn bị ứng trực sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời và tổ chức giao thông ứng phó với hậu quả mữa lũ, phục vụ an toàn, thuận lợi nhu cầu đi lại của người dân. Công tác cải cách hành chính được tập trung thực hiện có hiệu quả.Công tác triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến, bước đầu đã hành thành dữ liệu số ngành GTVT, góp phần đổi mới phương thức, quản lý hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh thành cũng tham luận, thảo luận phân tích những tồn tại, đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Năm 2021, mặc dù gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả nước đã đạt được kết quả quan trọng, trong đó có đóng góp to lớn của Ngành GTVT. Phó Thủ tướng biểu dương, ghi nhận những đóng góp của ngành GTVT đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ GTVT kịp thời tham mưu Chính phủ thiết lập luồng xanh vận tải đảm bảo sự thông suốt hàng hóa; kiểm tra, tháo gỡ khó khăn tại các “điểm nóng”, giúp doanh nghiệp duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa thuận lợi; chú trọng làm tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án; công tác vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19; làm tốt công tác quản lý đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng giao thông. Bộ GTVT phải gắn nhiệm vụ phát triển kết cầu hạ tầng giao thông năm 2022 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng đề ra; tiến hành rà soát vốn, bố trí đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để dự án phát huy hiệu quả; quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không để bảo đảm hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục tăng cường kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải, siết chặt công tác đào tạo sát hạch, làm tốt công tác bảo đảm TTATGT để tiếp tục kéo giảm TNGT với tỉ lệ 5 - 10%/năm…
Phúc Nguyên