23/07/2020 13:21
|
Làm việc với Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh thông tin, trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; tập trung xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ đặc biệt lớn, hạn hán kéo dài, sạt lở đất trên diện rộng; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, mưa bão, tình hình thủy văn, mực nước các sông chính và các hồ chứa chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện phương án ứng phó.
Hàng năm, các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể chi tiết cho từng địa bàn, từng lĩnh vực phụ trách theo phương châm “bốn tại chỗ”. UBND tỉnh ban hành Phương án phòng chống lụt bão, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh; phân bổ vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho các huyện, thành phố và đơn vị liên quan quản lý, sử dụng trong công tác phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, học sinh và giáo viên về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được chú trọng, nhất là ở những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá ở ven sông, suối và các khu vực ngầm, cầu tạm.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, riêng trong năm 2019, thiên tai làm 90,79ha cây trồng bị hạn hán, 741 giếng nước bị khô hạn gây ảnh hưởng tới đời sống của 2.243 hộ dân. Mưa lũ đã làm 4 người chết, 44 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; 1 điểm trường học bị tốc mái; 1 nhà văn hóa bị thiệt hại; 6 công trình thủy lợi bị hư hỏng; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2019 ước khoảng 89,587 tỷ đồng.
Để kịp thời khắc phục nhanh chóng, hiệu quả các thiệt hại do thiên tai gây ra về người, nhà cửa, sản xuất và các công trình cơ sở hạ tầng, sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu đến nơi kiên cố, an toàn và sớm ổn định cuộc sống, tỉnh đã dành kinh phí 66,289 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả. Thời gian qua, tỉnh ta cũng đã tổ chức thực hiện các dự án di dời 952 hộ dân tại khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành tỉnh Kon Tum; việc triển khai tốt các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm cũng như công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhiệm vụ này.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập; tổ chức hiệu quả công tác diễn tập ứng phó với thiên tai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức, kiến thức của người dân về tác động của thiên tai cùng với biện pháp phòng, chống; tập trung thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ ngành Giáo dục sửa chữa, khắc phục một số điểm trưởng bị ảnh hưởng bởi thiên tai thời gian qua để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học trên địa bàn.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các cấp, các ngành tỉnh Kon Tum và sẽ chuyển tải đầy đủ đến Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương.
Thùy Hương