Bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI:Thông qua 22 nghị quyết quan trọng

13/07/2018 13:16

Sáng 13/7, trong phiên làm việc cuối kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI, các đại biểu đã xem xét, biểu quyết thống nhất thông qua 22 nghị quyết triển khai thực hiện công tác phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng cuối năm 2018 và một số đề án, chương trình công tác lớn, trọng tâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Các đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao, đã nghiêm túc xem xét và thống nhất thông qua các nghị quyết về: chương trình giám sát năm 2019 của HĐND tỉnh; kết quả giám sát chuyên đề về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018; sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 5/8/2011 của HĐND tỉnh về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020; đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020; phương án giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, sử dụng rừng bền vững, kết hợp đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; quy định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí) thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kon Tum năm học 2018 – 2019; sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 67/2016/NQ-HĐND ngày 9/12/2016 của HĐND tỉnh quy định về phân cấp ngân sách nhà nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 – 2020; quy định việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, nhiệm vụ và phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã; quy định mức chi hỗ trợ đối với hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; quy định mức hỗ trợ một số chi phí cho học viên trong thời gian chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; mức đóng góp đối với người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng; chế độ miễn, giảm chi phí đối với người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện tập trung tại cộng đồng; quy định cụ thể các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương cho các cấp ngân sách ở địa phương; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm địa phương, dự toán, phân bổ ngân sách địa phương, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương; bổ sung danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum để Quỹ đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay…

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết

 

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc, các đại biểu HĐND tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, góp phần để UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục hạn chế, yếu kém và lộ trình xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan. Những nội dung đã hứa, cam kết khắc phục cần phải được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm và báo cáo về HĐND tỉnh để kịp thời thông tin đến cử tri và nhân dân biết, theo dõi, giám sát.

Đồng chí đề nghị, các cấp, các ngành quan tâm triển khai tốt công tác ban hành chính sách, biện pháp cụ thể về phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành phát huy cao nhất năng lực, vai trò, trách nhiệm của mình nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR INDEX) năm 2018, định kỳ có đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém, quyết tâm thực hiện đạt và vượt mức chỉ tiêu cải thiện các chỉ số thành phần đã đề ra.

Thủ trưởng, người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng…. phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi tiếp tay, bảo kê cho hoạt động khai thác rừng, khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, quản lý bằng nhiều chủ trương và giải pháp thích hợp để đảm bảo vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; chủ động tấn công, xóa bỏ các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động tín dụng đen; thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu các địa phương, đơn vị và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng, phức tạp…

Mai Trâm

Chuyên mục khác