09/12/2021 18:16
|
Chiều 9/12, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nghe Minh Hồng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; HĐND tỉnh tiến hành họp phiên bế mạc, thông qua các nghị quyết của Kỳ họp.
|
Dự phiên bế mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XII.
Các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng vào các báo cáo, dự thảo Nghị quyết; nhất trí biểu quyết thông qua 31 nghị quyết chuyên đề kịp thời thể chế hóa quy định của pháp luật và các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho công tác tổ chức, triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
|
HĐND tỉnh thống nhất đánh giá, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và một số yếu tố khách quan khác nên một số chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế, phát triển dược liệu, thành lập mới doanh nghiệp, diện tích sâm Ngọc Linh trồng mới... chưa đạt so với Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2021. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021.
|
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh: Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022 mà HĐND tỉnh vừa thông qua thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong điều kiện vừa phải thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa phải “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19” đòi hỏi cả hệ thống chính trị nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nữa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, thủ trưởng, người đứng đầu các cấp, các ngành và các đại biểu HĐND tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân, nắm chắc tình hình, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 đã đề ra.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, quyết tâm không để dịch Covid -19 bùng phát, giữ cho được Kon Tum luôn là “vùng xanh”, bảo đảm cho việc thực hiện “mục tiêu kép” đạt kết quả cao nhất. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, phấn đấu nâng mức xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị-hành chính công và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông quyết liệt vào cuộc, khẩn trương triển khai thực hiện Đề án phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum mà HĐND tỉnh vừa thông qua. Từng ngành, từng địa phương phải làm thật tốt công tác chuẩn bị đầu tư và lựa chọn đơn vị thi công thật sự có năng lực để các dự án đầu tư công được triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Thường trực, các ban và các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường giám sát, khảo sát để nắm bắt tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ, bảo đảm kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định và bền vững.
Thùy Hương
|
Đại biểu Y Hương (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông): Cần có chính sách, nguồn vốn ưu đãi để phát triển sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu chủ lực được tỉnh xác định phát triển bền vững gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc phát triển sâm Ngọc Linh trong thời gian qua còn nhiều vấn đề bất cập. Vì vậy, theo tôi, thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo các huyện có đủ điều kiện trồng sâm Ngọc Linh tổ chức rà soát lại quỹ đất trồng sâm, đất nào giao cho doanh nghiệp phát triển, đất nào giao cho người dân QLBVR kết hợp trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Về nguồn sâm giống, doanh nghiệp cần thông tin khả năng cung ứng ra thị trường nguồn giống hàng năm là bao nhiêu; các huyện, xã rà soát nắm chắc nguồn giống chuẩn trên địa bàn mình để khuyến cáo người dân biết và mua đúng giống để phát triển. Bên cạnh đó, cần có cơ quan chức năng hỗ trợ kiểm soát ngăn chặn tình trạng mua bán giống và sản phẩm sâm Ngọc Linh giả. Về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cần có nguồn vốn vay ưu đãi để người dân phát triển diện tích sâm Ngọc Linh.
|
Đại biểu Võ Duy Tuấn (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô): Quyết liệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả “mục tiêu kép”
Theo tôi, năm 2022, UBND tỉnh cần có giải pháp tăng cường thu hút đầu tư và cần nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa; đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu cả trong và ngoài nước về thế mạnh, tiềm năng của tỉnh để thu hút những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính vào đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Một vấn đề khác mà tôi cùng nhiều đại biểu quan tâm là trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Để hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc hơn, trong năm 2022, đề nghị tỉnh cần quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” trong trạng thái “bình thường mới”; xây dựng thương hiệu cho nhiều loại hàng hóa, sản phẩm mang tính đặc trưng, thế mạnh của địa phương; vận động người dân và doanh nghiệp tăng cường lựa chọn sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất kinh doanh, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng của tỉnh... Đặc biệt, với chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng năm 2022 thì để đạt được mục tiêu đó, cần phải có các giải pháp đồng bộ và triển khai quyết liệt, trong đó chú trọng vận động các nhà đầu tư (ngoài tỉnh, nước ngoài) đến đầu tư tại tỉnh cần sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ góp phần giữ vững và gia tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh...
|
Đại biểu Đỗ Thị Hồng Hạnh (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum): Quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên
Là đại biểu trẻ, lần đầu tiên tham gia đại biểu HĐND tỉnh, tôi quan tâm kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện trong năm 2022. Để triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2022, tôi đề nghị tỉnh nên tập trung đầu tư các nguồn lực vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; cần đổi mới tư duy về du lịch, tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; cần đưa truyền thống văn hóa, lịch sử của các dân tộc trên địa bàn tỉnh thành nguồn lực phát triển; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…Trong đó, đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nói riêng và người lao động nói chung đến làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp để giúp họ có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống…
Quang Định (thực hiện)