Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI

15/04/2022 19:48

Sau hai ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tích cực, dân chủ, thẳng thắn, khách quan và trách nhiệm, chiều 15/4, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã bế mạc.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: DĐN

 

Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, các đại biểu dự Hội nghị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung trình Hội nghị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến thảo luận, giải trình mà các đại biểu đã đóng góp, đồng thời sẽ hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết trên để sớm cụ thể hóa, triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: DĐN

 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất đánh giá, trong quý I/2022, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 3/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022 và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đa số chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh được đảm bảo và tăng cao so với cùng kỳ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, vẫn còn những khó khăn nhất định như sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; việc thu hút đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp chưa hiệu quả. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh còn chậm. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn diễn ra phức tạp; vi phạm về trật tự xây dựng và quản lý đất đai tại một số địa phương chưa được giải quyết triệt để. Công tác giáo dục tại vùng đồng bào DTTS còn khó khăn. Công tác theo dõi, định hướng dư luận xã hội, phản bác các thông tin xuyên tạc, chưa được kiểm chứng trên báo chí, mạng xã hội chưa linh hoạt, kịp thời; công tác vận động quần chúng có lúc, có việc hiệu quả chưa cao...

Những hạn chế, yếu kém trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là do giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng cao, một số loại nông sản khó khăn trong công tác tiêu thụ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; các cấp, các ngành chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa được phát huy; công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng và các lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng còn lúng túng, thiếu chặt chẽ; việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình của một số chủ đầu tư chưa quyết liệt, chưa kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ...

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý II năm 2022. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh từ 10% trở lên; đến hết quý II năm 2022, vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 12.000 tỷ đồng giải ngân trên 50% thực nguồn kế hoạch vốn được giao; thu ngân sách đạt 2.800 tỷ đồng; trồng được 166ha cây dược liệu, 250ha cây ăn quả và 100ha cây mắc ca; có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tích cực kêu gọi, thu hút nhiều dự án vào đầu tư để nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên cao.

Giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát, hoàn chỉnh Báo cáo và lãnh đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 07-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẩn trương tiếp thu ý kiến tham gia của Hội nghị, hoàn chỉnh và lãnh đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quy chế trên. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất thông qua các nghị quyết chuyên đề "về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; "về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; "về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum"; "về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đây là các nghị quyết rất quan trọng đối với tỉnh nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về du lịch, dược liệu; tiếp tục cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết trên sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẩn trương tiếp thu ý kiến tham gia của Hội nghị, hoàn chỉnh các nghị quyết để sớm cụ thể hóa, triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Các đồng chí Tỉnh ủy viên thống nhất cao với Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2021 đối với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngay sau Hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng theo quy định.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: Trong quý II năm 2022, các cấp, các ngành phải chuẩn bị thật tốt để trồng mới trên 4.000ha rừng các loại trong năm. Đồng thời cũng chuẩn bị thật kỹ các điều kiện để trồng mới các loại cây dược liệu đạt và vượt chỉ tiêu năm 2022, đặc biệt là trồng sâm Ngọc Linh phải đạt chỉ tiêu. Hệ thống chính trị các cấp vào cuộc mạnh hơn, hiệu quả, chất lượng hơn đối với Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững"; triển khai đồng bộ Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS  trên địa bàn tỉnh". Đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị "về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra theo Kế hoạch, nhanh, sớm hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch đề ra nhằm đảm bảo tính kỷ cương và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, tình hình thế giới diễn biến phức tạp; tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, thời tiết ngày càng khó lường, dự báo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí Tỉnh ủy viên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương năng động, sáng tạo, lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Quang cảnh Hội nghị phiên bế mạc. Ảnh: DĐN

 

Hội nghị đã biểu quyết thông qua các chỉ tiêu mà các nghị quyết tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác