Bảo vệ rừng – gắn trách nhiệm vào từng ngành, từng địa phương và từng chủ rừng...

30/06/2016 15:22

Trước tình trạng một số chủ rừng để xảy ra một số điểm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép gây bức xúc trong dư luận, phóng viên Báo Kon Tum đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hữu Hải- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh để làm rõ hơn về chủ trương và quyết tâm của tỉnh Kon Tum trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn này.

PV: Vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số điểm khai thác, vận chuyển gỗ trái phép được các cơ quan báo chí phản ánh, xin đồng chí cho biết quan điểm của tỉnh về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Hữu Hải: Từ đầu tháng 4 đến nay, báo chí đã đưa lên 7 vụ việc gây dư luận bức xúc trong nhân dân. Theo quan điểm cá nhân, tôi xin ghi nhận và biểu dương các cơ quan báo, đài ở trung ương và địa phương góp phần cùng với tỉnh đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ khai thác, vận chuyển, phá rừng trái pháp luật. Thực ra các cơ quan báo, đài đang thực hiện điểm 7, Kết luận 04-KL/TU ngày 13/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật. Tức là tỉnh có giao cho Báo Kon Tum, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh trong công tác QLBVR.  

Đồng chí Nguyễn Hữu Hải chỉ đạo tại cuộc họp thông tin công tác QLBVR. Ảnh: V.N

 

PV: Xin đồng chí cho biết chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ?

Đồng chí Nguyễn Hữu Hải: Trong phiên họp bảo vệ và khôi phục rừng Tây Nguyên nhằm chống biến đổi khí hậu tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) ngày 20/6/2016 trong đó có đề cập đóng cửa rừng của cả nước. Về vấn đề này, tỉnh cũng ý thức được bảo vệ rừng để gìn giữ tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho Tây Nguyên và cho đồng bào. Năm 2005 Tỉnh ủy đã có nghị quyết về đóng cửa rừng, HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh có quyết định về đóng cửa rừng trên địa bàn tỉnh. Mãi đến năm 2011, tổ chức quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ) có hỗ trợ cho tỉnh Kon Tum xây dựng đề án quản lý rừng bền vững, khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ 2011-2015, có khai thác rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế dưới sự giám sát của tổ chức này, nhưng việc khai thác thường không đạt chỉ tiêu. Ví dụ mỗi năm cho 8.000 m3 gỗ,  nhưng thực tế có năm chỉ khai thác khoảng 3.000 m3 gỗ. Bởi vì khâu giám sát rất chặt chẽ cách làm và từ đầu năm 2016 đến nay thì tỉnh cũng dừng lại việc khai thác. Cho nên vấn đề Thủ tướng đề nghị đóng cửa rừng thì thực chất tỉnh Kon Tum cũng đã đóng từ năm 2005 đến nay rồi.

Nếu như năm 2016, chúng ta đóng cửa rừng toàn bộ và Chính phủ cấm luôn việc chuyển đổi rừng sang làm bất cứ mục đích nào (trừ dự án an ninh quốc phòng) thì chúng tôi nghĩ rằng việc này sẽ ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép hiệu quả hơn.

Tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: V.N

 

PV: Thưa đồng chí, để công tác QLBVR đạt hiệu quả hơn trong thời gian đến, UBND tỉnh có các giải pháp nào?

Đồng chí Nguyễn Hữu Hải: Từ thực trạng nơi này, nơi khác có xảy ra khai thác gỗ, phá rừng trái phép, Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo như Kết luận 04-KL/TU, ngày 13-01-2016, và mới đây nhất là thông báo 182-TB/TU ngày 24/6/2016 về ý kiến kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình, kết quả thực hiện Kết luận 04 cũng đã chỉ đạo rất rõ công tác QLBVR. Để QLBVR có hiệu quả, trong thời gian đến, UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp như: Tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị từ cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân để nâng cao ý thức trong công tác QLBVR; rà soát, phân loại rừng, đóng mốc các loại rừng để xác định ranh giới trên bản đồ, trên thực địa và giao cho từng chủ rừng cho đúng; rà soát lại công tác tổ chức, củng cố, bố trí những cán bộ có năng lực và tâm huyết trong quá trình giữ rừng; thành lập đoàn liên ngành, xác định “điểm nóng”, tổ chức truy quét, chốt chặn để loại bỏ, xóa bỏ các “điểm nóng”; gắn trách nhiệm ở từng ngành, từng địa phương, từng chủ rừng để xảy ra hiện tượng mất rừng...

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                Đào Nguyên (thực hiện)

Chuyên mục khác