Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy

30/03/2021 21:25

Ngày 30/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy. Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc.
 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TT

 

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Thầy.

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy, tổng giá trị sản xuất năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt gần 3.400 tỷ đồng, vượt kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,88 triệu đồng (năm 2019) lên 40,02 triệu đồng (năm 2020); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 129,89 tỷ đồng, vượt 44,7% dự toán tỉnh giao.

Diện tích cây cao su, cà phê, mì, cây ăn quả tiếp tục được đầu tư, nâng cao năng suất, đảm bảo phục vụ các nhà máy chế biến nông sản. Công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc được đẩy mạnh; trong năm 2020 đã trồng mới được 500ha rừng và tiếp tục vận động đưa một số cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế và độ che phủ rừng cao để phát triển trên địa bàn.

Toàn huyện có 62 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký 633 tỷ đồng, 12 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 71,54 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư được chú trọng, trong năm đã thu hút được 6 dự án với tổng vốn đăng ký 2.620 tỷ đồng. Huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là Sa Nhơn, Sa Nghĩa và Sa Sơn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 9,97% và cận nghèo còn 4,95%...

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: TT

 

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành liên quan: Xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi bò để đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2025 phát triển được 20.000 con bò sữa; xây dựng Đề án hỗ trợ cho nhân dân trồng rừng với mức đầu tư tối thiểu 10 triệu đồng/ha, phấn đấu đạt mục tiêu trồng mới trên 3.000ha rừng vào năm 2025; đầu tư nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 675 thành Quốc lộ 24 (kéo dài Quốc lộ 24 bám theo Tỉnh lộ 675 tiếp nối với Quốc lộ 14C); xây dựng vùng Ya Book (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) với trên 10.000ha thành khu cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, gắn quản lý bảo vệ rừng; bổ sung quy hoạch, đầu tư phát triển ngành thể thao Dù lượn gắn du lịch tâm linh trên địa bàn huyện; cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch một số diện tích đất nhân dân xã Rờ Kơi khai hoang trước năm 2000 đang sản xuất ổn định, để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu thảo luận, làm rõ nguyên nhân vì sao có tiềm năng về rừng, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc), dược liệu (sâm cau, sa nhân tím), du lịch sinh thái và tâm linh nhưng so với các huyện trong tỉnh, Sa Thầy vẫn còn nhiều khó khăn; thu nhập của đồng bào DTTS và người dân vùng sâu, vùng xa còn thấp; việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ còn những hạn chế nhất định; tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc còn chậm; công tác giảm nghèo thiếu tính bền vững; công tác giải quyết việc làm vùng nông thôn chưa đảm bảo so với yêu cầu chung...

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Sa Thầy xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng, phục hồi khoanh nuôi tái sinh rừng trên diện tích đất lâm nghiệp trống với các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ; phấn đấu năm 2021, xã Sa Bình đạt chuẩn xã NTM; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6%; có thể giảm 700ha trong tổng số 6.700ha mì hiện nay để chuyển sang trồng cây ăn quả, nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy; quy hoạch trồng cây ăn quả các loại trên diện tích đất cao su tiểu điền khi tái canh.

Đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS để tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận, giải quyết vấn đề thoát nghèo; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới đạt hiệu quả, giao Liên minh Hợp tác xã hỗ trợ huyện và xã về điều hành, quản lý thông qua các lớp tập huấn. Đối với 6 xã chưa đạt chuẩn NTM, phấn đấu mỗi xã đạt ít nhất từ 1 đến 2 tiêu chí/năm.

Ban Thường vụ Huyện ủy cần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để phấn đấu đến năm 2025, thị trấn Sa Thầy cơ bản đạt một số tiêu chí đô thị loại IV; phấn đấu năm 2021, 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên đạt 75% trở lên. Ngay từ bây giờ, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng ngay cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí yêu cầu từ nay trở đi, rừng còn lại bao nhiêu giữ nguyên bấy nhiêu, không được làm mất rừng và đất rừng; ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Đất mất rừng phải trồng lại hàng năm theo khả năng, không đạt chỉ tiêu trồng rừng trong năm mà không có lý do chính đáng đều bị xử lý theo trách nhiệm được giao. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy vận động nhân dân khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu cho hộ gia đình, cho thôn, xã, huyện và cho cả tỉnh Kon Tum.

Tất Thành

Chuyên mục khác