Bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

14/05/2021 14:05

Sáng 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành trong cả nước để bàn các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới; đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản của một số địa phương đang vào mùa vụ thu hoạch cao điểm.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH

 

Dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp.

Tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các tháng đầu năm nay, với sự quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trong cả nước, hoạt động sản xuất, chế biến, thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ nông sản đạt được kết quả tích. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2021 của cả nước vẫn đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, các tháng đầu quý II/2021, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới có những diễn biến phức tạp, bùng phát nhanh ở nhiều quốc gia làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhiều nước, nhất là các đối tác lớn của Việt Nam.

Ở trong nước, làn sóng dịch thứ 4 với diễn biến nhanh, khó lường, tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Trong các hoạt động kinh tế; các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhiều ngành, lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng diễn biến bất thường, khắc nghiệt, dịch bệnh trong chăn nuôi, cây trồng diễn ra với những nguy cơ cao, rủi ro lớn cũng tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Do đó, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc ở trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản nhằm duy trì đà tăng trưởng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch Covid-19; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số kiến nghị và giải pháp trọng tâm như: Điều chỉnh sản xuất nông nghiệp tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; linh hoạt triển khai các chính sách thuế tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản; tạo thuận lợi đối với hoạt động thông quan hàng hóa, hạ tầng logistic. Cùng với hoạt động xuất khẩu, ngành nông nghiệp và các ngành có liên quan tiếp tục chú trọng thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước…

Tại Hội nghị, các bộ, ngành địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia thảo luận. Các ý kiến phát biểu đều tập trung chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản; xu hướng thị trường nông sản thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn; các vấn đề về mở cửa thị trường nông sản; triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đối với nhóm các sản phẩm nông sản có tính thời vụ đang vào mùa thu hoạch như: vải, nhãn, thanh long, sầu riêng…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, đơn vị; thống nhất với phương án mà các địa phương nêu ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, với những kết quả đạt được trong các tháng đầu năm, có thể nói, sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn có những tín hiệu khả quan, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép mà Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương chú trọng thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, theo dõi sát và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh để hạn chế rủi ro trong sản xuất; chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản phù hợp với tình hình thực tiễn trong thời điểm hiện nay. Đồng thời đề nghị, các bộ, ngành có liên quan tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp, hỗ trợ các doanh nghiệp, làm việc với các đối tác thương mại để đưa ra các phương án tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta; các hiệp hội, ngành hàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đề ra các biện pháp giúp tiêu thụ nông sản người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Thùy Hương

Chuyên mục khác