Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

19/01/2021 08:37

Chiều 18/1, UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành, công ty lâm nghiệp và các địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và triển khai các chỉ tiêu trồng rừng.

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố; giám đốc các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH

 

Theo báo báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các chính sách của Trung ương và địa phương ban hành kịp thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, khó khăn là nguồn tài chính của Nhà nước không đáp ứng được các chính sách đề ra; mức hỗ trợ trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, khoán bảo vệ rừng còn thấp nên chưa hấp dẫn các tổ chức, người dân tham gia; kinh phí hỗ trợ cho thôn, làng vùng đệm còn ít, chỉ đầu tư các hoạt động nhỏ, còn các hoạt động lớn không đáp ứng nhu cầu kinh phí dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ cây, con giống. Chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh hiện chỉ có 50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết; diện tích hỗ trợ không quá 10 ha/1 nhà đầu tư, không thu hút được doanh nghiệp thực hiện vì quá thấp.

Thời gian qua, việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Sau khi sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp đã ổn định diện tích quản lý để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao; giải quyết được tình trạng đất cấp trùng, chồng lấn, lấn chiếm của các hộ gia đình, cá nhân.

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TH

 

Tuy nhiên, hiện nay, một số công ty lâm nghiệp đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do chưa có cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm của Nhà nước. Một số công ty không có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hoặc nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng không đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu phát triển 15.000 ha rừng (riêng năm 2021 trồng 3.000 ha); khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên 7.309 ha, (năm 2021 là 4.470 ha). Song khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa xác định được nguồn vốn để đầu tư phát triển rừng phòng hộ đặc dụng, hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất; các công ty lâm nghiệp không tiếp cận được với vốn vay ưu đãi để trồng rừng sản xuất; đầu ra của sản phẩm gỗ rừng trồng không có tiềm năng nên chưa thúc đẩy được người dân trồng rừng sản xuất.

Đại diện các công ty lâm nghiệp phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Tại buổi làm việc, các công ty lâm nghiệp kiến nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng xem xét bỏ quy định điều chuyển tiền dịch vụ môi trường rừng từ nơi cao xuống nơi thấp; cấp sổ đỏ và có cơ chế để các công ty lâm nghiệp được thuê đất trồng rừng nhằm tăng nguồn thu và hạn chế tình trạng để đất trống. Để thực hiện mục tiêu phát triển rừng bền vững, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương kêu gọi, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến; cho người dân vay hoặc tạm ứng kinh phí trong quá trình trồng rừng để người dân yên tâm thực hiện; tạm ứng kinh phí hoạt động cho các công ty lâm nghiệp.

Các địa phương cũng nêu lên một số khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng như: Khó xác định diện tích đất sản xuất của người dân và đất rừng, cũng như thu hồi diện tích đất rừng chồng lấn bởi hiện tại bà con đã sản xuất ổn định; đề nghị ngành Nông nghiệp nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng và khả năng của người dân.

Về việc xử lý xe độ chế, cần cân nhắc đảm bảo hợp tình, hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân bởi điều kiện đi lại ở nhiều nơi khó khăn và phải đi qua rừng.

Về trồng rừng, hiện các địa phương đang rà soát những diện tích có thể trồng rừng để thực hiện mục tiêu của tỉnh, tuy nhiên, vướng mắc là diện tích manh mún, không thể tập trung, nếu bắt buộc phải trồng rừng theo quy chuẩn thì cần có đơn vị tư vấn. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế rõ ràng về định mức hỗ trợ người dân trồng rừng, đảm bảo thu nhập ổn định.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Các sở, ngành có liên quan cũng trả lời, làm rõ thêm các ý kiến, kiến nghị để các công ty, địa phương nắm rõ và triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Tuấn ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các chủ rừng, địa phương. Đồng thời đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các kết luận, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đối với các kiến nghị liên quan đến chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp của Trung ương và địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh để đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét; trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh điều chỉnh các nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững cho phù hợp.

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Nhiệm vụ phát triển rừng trong năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025 rất nặng nề và cần nguồn vốn rất lớn để thực hiện, vì vậy, cần quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chưa xác định rõ khả năng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động phát huy tối đa hiệu quả các nguồn kinh phí có thể chủ động sử dụng được, nhất là nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế để thực hiện trồng rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, các đơn vị chủ rừng xác định loại cây trồng lâm nghiệp hoặc đa mục đích phù hợp, có giá trị kinh tế cao để thống nhất và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện.

Thùy Hương

Chuyên mục khác