16/03/2022 19:42
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu Hội trường Ngọc Linh. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số, các thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số, lãnh đạo VNPT Kon Tum, Bưu điện tỉnh.
|
|
Trong năm 2021, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh bước đầu huy động được sự tham gia của các ngành, địa phương.
Qua việc triển khai, nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng được hoàn thành, góp phần đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin như: Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum phiên bản 2.0; hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến tiếp tục triển khai đồng bộ, liên thông, thống nhất trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, phục vụ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính.
Nổi bật, trong năm 2021, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 99%. Tính đến ngày 16/12/2021, đã tích hợp công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.020 dịch vụ công trực tuyến (156 mức độ 3 và 864 mức độ 4), trên tổng số thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, hệ thống hội nghị trực tuyến được khai thác, sử dụng hiệu quả; Trung tâm điều hành thông minh được thành lập làm nền tảng tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh vào hệ thống nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh...
Năm 2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tập trung ban hành các cơ chế, chính sách để có nguồn kinh phí thực hiện đồng bộ các Hệ thống Công nghệ thông tin từ tỉnh – huyện – xã; kiện toàn Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh hướng tới Khung kiến trúc Chính quyền số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kết nối phục vụ công tác chuyển đổi số đối với các lĩnh vực quan trọng; thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử...
|
|
Phiên họp đã thông qua Nghị quyết 09, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát: Cơ bản hình thành được nền tảng chính quyền số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, tài nguyên và môi trường, công nghiệp, năng lượng...
|
Kết luận tại phiên họp, đồng chí Lê Ngọc Tuấn ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền điện tử/chuyển đổi số năm 2021.
Để thực hiện có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022, đồng chí yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò tham mưu của cơ quan thường trực, phối hợp các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện tham mưu ban hành Chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh năm 2022; định kỳ hàng quý hoặc đột xuất báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo về những vấn đề phát sinh, vướng mắc, khó khăn để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ.
Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, viễn thông triển khai đầu tư hạ tầng, xóa vùng lõm sóng di động, cải thiện chất lượng đường truyền, đảm bảo phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tập trung đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cụ thể hóa từng nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực hết sức để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022.
Hoài Tiến