17/02/2019 07:09
Bối cảnh lịch sử
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là hòa bình, ổn định để hàn gắn vết thương chiến tranh và tập trung trí tuệ, sức lực thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự thay đổi trong quan hệ tam giác chiến lược Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ thập niên 70 của thế kỷ XX và Cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc gia tăng các hoạt động khiêu khích, xung đột vũ trang trên tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, hòng tạo cớ gây chiến tranh để thực hiện mục tiêu, ý đồ đặt ra. Cụ thể, trong các năm 1975 đến 1978, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai tổng cộng 4.094 vụ.
|
Từ tháng 5/1978, Trung Quốc vô cớ dựng lên “sự kiện nạn kiều”, thực chất là dụ dỗ, đe dọa, lần lượt cưỡng ép 20 vạn Hoa kiều đang sống yên ổn ở Việt Nam phải về nước. Tiếp đó họ trắng trợn vu cáo Việt Nam ngược đãi, khủng bố xua đuổi Hoa Kiều, rút chuyên gia gây ra tình hình hết sức căng thẳng.
Cuối năm 1978, Trung Quốc tăng cường làm đường cơ động sát biên giới Việt Nam, xây dựng các căn cứ, hệ thống kho tàng, vận chuyển tập kết vật chất, sơ tán nhân dân về phía sau…
Tháng 8/1978, phía Trung Quốc đã điều động lực lượng từ phía sau ra biên giới gồm 9 quân đoàn và 5 sư đoàn độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh), cùng 550 xe tăng, xe bọc thép, 2.558 pháo, 676 máy bay… Trên hướng biển, Trung Quốc cũng đã huy động hàng chục tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải hỗ trợ.
Đặc biệt, đêm 16 rạng ngày 17/2/1979, lợi dụng trời tối, sương mù, phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng lớn vượt biển, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực trên toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu); đồng thời, triển khai đội hình gồm một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tiến công.
Trước diễn biến căng thẳng trên vùng biên giới phía Bắc, Đảng và Nhà nước ta kiên trì chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình; đồng thời khẩn trương tăng cường lực lượng, đẩy mạnh xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, nhất là ở Quân khu 1 và Quân khu 2.
Cuộc chiến tranh xâm lược
Bất chấp nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của ta, 3 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động lực lượng lớn (hơn 600 nghìn quân) tiến công sang lãnh thổ của Việt Nam. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên.
Việc mở cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc nước ta, Trung Quốc hy vọng thực hiện được 5 mục tiêu: Một là cứu chế độ diệt chủng Pon Pol (mục tiêu chủ yếu); Hai là tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để giúp họ xây dựng bốn hiện đại hóa (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội, khoa học- kỹ thuật); Ba là phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế của ta, làm ta suy yếu; Bốn là, uy hiếp Lào từ phía Bắc, làm suy yếu liên minh chiến đấu Việt- Lào; Năm là thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới.
Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ ta đã ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”.
Trải qua hơn 10 ngày chiến đấu (từ ngày 17/2/1979 đến đầu tháng 3/1979), lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc. Ta đã bẻ gãy nhiều mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu theo ý đồ ban đầu, buộc Trung Quốc phải đưa lực lượng dự bị chiến lược vào cứu trợ, cứu nguy cho lực lượng bị bao vây, cô lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai.
Tuy nhiên, do có ưu thế quân đông và nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật nên quân Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa ta trên một số hướng như Cao Bằng (từ 40-50km), Lạng Sơn, Lào Cai (từ 10-15km) và lần lượt chiếm các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Cam Đường, Lạng Sơn, thị trấn Phong Thổ và một số địa bàn trên vùng biên giới phía Bắc sau khi ta chủ động chuyển lực lượng về tuyến sau.
Chiến thắng của quân và dân ta
Để đảm bảo cuộc chiến đấu thắng lợi, ít gây tổn thất nhất, ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đáp lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, cả nước hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến.
|
Quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước XHCN, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.
Do đó, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng.
Với truyền thống nhân nghĩa, bao dung và mong muốn hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ ta chỉ thị cho lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc rút toàn bộ lực lượng, phương tiện chiến tranh về nước.
Tuy nhiên, từ ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc vừa rút quân, vừa đánh phá gây nhiều thiệt hại về người và của với đồng bào ta ở một số vùng biên giới. Và đến ngày 18/3/1979, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân ra khỏi nước ta.
Mặc dù tuyên bố rút quân, nhưng từ sau ngày 18/3/1979, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu từ 200 đến 500 mét, thường xuyên gây hấn khiến tình hình luôn căng thẳng kéo dài đến năm 1989. Cụ thể, từ tháng 4/1984-5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Vị Xuyên- Hà Tuyên lại trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Thương vong của hai phía trong các cuộc xung đột kéo dài 10 năm ở mặt trận Vị Xuyên là vô cùng lớn. Theo thống kê của Ban Liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến năm 1989, hơn 4.000 bộ đội Việt Nam đã hi sinh, hàng nghìn người bị thương…
Dẫu ác liệt song cuối cùng chúng ta đã dành chiến thắng, non sông, bờ cõi được vẹn toàn. Theo thống kê, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (tính từ 17/2/1979- 18/3/1979, không kể cuộc chiến 10 năm ở chiến trường Vị Xuyên), quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn; bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng...
Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979-17/2/2019), chúng ta có dịp ôn lại truyền thống hào hùng, bất khuất, kiên cường của dân tộc, lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn sức mạnh, là nội lực để chúng ta cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay; đồng thời, khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng nhận thức của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc “Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển.
Nguyên Phúc (Tổng hợp)