06/06/2017 08:25
Phớt lờ lệnh cấm...
5h chiều, chuông điện thoại reo vang. Tiếng anh N. hối hả trong điện thoại: Nhanh lên chú ơi. Giờ này người ta nghỉ, mình mới tiếp cận được. Đi sớm, để chủ lò thấy cũng khó ăn nói, mất việc làm. Anh N. là người quen, tôi phải năn nỉ mãi mới được anh đồng ý dẫn đi (tất nhiên là bí mật) mục sở thị nhà xưởng sản xuất gạch không phép hoành tráng của gia đình ông Nguyễn Bắc Thái.
|
Dù mới mưa lớn hôm qua, nhưng chỉ sau 1 ngày nắng, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) đã mù mịt bụi. So với hồi cuối tháng 2/2017, khi tôi thực hiện loạt tin, bài phản ánh về nạn khai thác đất sét trái phép sản xuất gạch nung, nơi đây vẫn nhộn nhịp không kém.
Anh N. dẫn tôi vòng qua phía sau khu sản xuất của Nhà máy gạch tuynel thuộc Công ty TNHH Hòa Nghĩa, vượt qua những hố sâu và 1 khe suối, bùn ngập đến đầu gối. Do doanh nghiệp này chỉ sản xuất nốt phần đất sét còn dư lại trong khi chờ hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác mỏ sét trúng đấu giá nên nhà xưởng khá vắng vẻ.
Hì hụi leo hết một quả đồi trồng cao su, trước mắt tôi là một “đại công trường” khai thác đất sét của ông Nguyễn Bắc Thái với 2 máy đào đang hoạt động hết công suất, những ô tô tải loại lớn ra vào chở đất liên tục. Có mấy quả đồi đã bị bạt đi non nửa, có quả đồi đã “biến mất”, trơ ra hố sâu. Điều đáng nói là “đại công trường” này bị mấy quả đồi trồng cao su che khuất hoàn toàn, nếu không có anh N. dẫn đường, vượt qua đồi cao su thì đứng ngoài đường tôi không thể phát hiện được.
Quan sát một lúc, tôi phát hiện nhiều xe đất không đi vào xưởng mà băng ra đường. Anh N. giải thích: Đó là những xe chở đất sét đi bán cho các chủ lò khác. Mỗi ngày có mấy chục xe như vậy được bán ra với giá 180.000 - 200.000 đồng/xe, không thuế, không phí gì cả. Lợi nhuận như thế nên người ta làm mạnh là phải.
Nhà xưởng xây dựng trái phép của ông Nguyễn Bắc Thái cũng nằm ngay dưới đồi cao su. Không giống như sự hình dung của tôi về một nhà xưởng xây dựng trái phép, hoạt động lén lút mà khá bề thế, công khai với khung sắt lớn, mái tôn, ống khói cao ngất; công nhân ra vào nhộn nhịp; những mẻ gạch đang chờ vào lò. Theo số liệu chính xác từ ngành chức năng quy mô nhà xưởng này lên tới 4.000m2.
|
Theo thông tin mà chúng tôi có được, tháng 11/2016, khi ông Thái tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng nhà máy, UBND phường Ngô Mây đã ra quyết định đình chỉ thi công (số 83/QĐ-CT ngày 29/11/2016), quyết định cưỡng chế tháo dỡ (số 09/QĐ-UBND ngày 27/2/2017). UBND thành phố Kon Tum cũng chỉ đạo phường Ngô Mây yêu cầu ông Nguyễn Bắc Thái chấm dứt hoạt động xây dựng, khai thác đất sét trái phép, tháo dỡ và di dời máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực.
Nhưng đến nay, ông Thái vẫn phớt lờ lệnh cấm, tiếp tục khai thác đất sét trái phép, hoàn thành nhà máy, đưa vào hoạt động. Không chỉ vậy, ông Thái còn tiếp tục mở rộng nhà xưởng lên 4.000m2.
Không nên phạt rồi... hợp thức hóa
Trong khi dư luận đang mong chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm vi phạm này thì điều bất ngờ là, thay vì cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép thì Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ đầu tư được hoàn thiện thủ tục về xây dựng (có thể cấp giấy phép xây dựng tạm) sau khi chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng không phép.
Lý do được đưa ra là xét thấy việc đầu tư xây dựng nhà xưởng của ông Nguyễn Bắc Thái là khá lớn (4.000m2), nếu cưỡng chế tháo dỡ sẽ gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư.
Mặc dù trước đó đã có tin đồn về việc ông Nguyễn Bắc Thái đang “xin” hợp thức hóa vi phạm, nhưng khi nhìn thấy “giấy trắng mực đen” các chủ lò gạch thủ công ở Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung vẫn bất ngờ. Với họ, đây là nghịch lý, bởi một cá nhân xây dựng không phép; nấn ná, chây ì thực hiện quyết định buộc tháo dỡ lại được đề nghị cấp phép xây dựng sau khi nhà xưởng hoàn thành, dây chuyền đang hoạt động.
Không nên phạt rồi... hợp thức hóa là ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được từ những chủ lò gạch đang hoạt động trong Cụm công nghiệp Thanh Trung. Tại đây hiện có 51 lò gạch của 32 hộ gia đình; trong đó, 20 hộ gia đình có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 12 hộ gia đình hoạt động không phép.
Một chủ lò có nước da đen cháy, khuôn mặt khắc khổ vung vẩy 2 tay: Nghe nói ông Thái đã được chuyển mục đích sử dụng đất, chuẩn bị được cấp phép xây dựng. Chúng tôi đang chờ hướng xử lý của chính quyền và ngành chức năng đối với trường hợp này. Nếu cả một nhà máy lớn, xây dựng trái phép như của ông Thái còn tồn tại được, được hợp thức hóa thì một lò thủ công cỏn con như của tôi có đáng kể gì.
Sẽ là chuyện bình thường nếu như ông Nguyễn Bắc Thái thực hiện đúng các bước lập hồ sơ, thủ tục về đất đai, xây dựng. Sai chỗ nào, thiếu cái gì sẽ được ngành chức năng và chính quyền địa phương giúp đỡ, hướng dẫn. Nhưng, việc ngang nhiên xây dựng nhà xưởng, khai thác khoáng sản trái phép, không chấp hành yêu cầu tháo dỡ là một việc làm khó chấp nhận, giống như là một thách thức đối với sự tôn nghiêm của pháp luật.
Tiếp đó, việc đề nghị cấp phép xây dựng tạm sau khi chấp hành nộp phạt chính là bước đi đầu tiên để hợp pháp hóa công trình xây dựng trái phép. Kiểu “đánh đu” với pháp luật như thế này rõ ràng khó chấp nhận, vì khi hành vi sai trái, coi thường pháp luật không bị xử lý nghiêm minh, được cho qua sẽ tạo tiền lệ cho nạn “nhờn luật” bùng phát.
Việc cơ quan quản lý chạy theo sai phạm của tổ chức, cá nhân cũng khiến dư luận dấy lên những nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này...
Hồng Lam