Xâm hại tình dục trẻ em - Hãy lên tiếng

17/04/2017 13:59

Từ năm 2011 đến 2016, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có 9 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Đáng báo động, 3 tháng đầu năm nay, các ngành chức năng tiếp nhận mới 6 trường hợp trẻ bị xâm hại và đang có sự can thiệp, hỗ trợ xử lý theo quy định pháp luật.

Trước vấn đề nóng và bức thiết cần có những biện pháp, giải pháp ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Kon Tum đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH về vấn đề này.

- Vấn đề nóng đang được dư luận xã hội quan tâm hiện nay là tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng. Để góp phần bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, ngành đã và đang triển khai những hoạt động, biện pháp nào, thưa ông?

Mặc dù ngành LĐTB&XH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các văn bản quy định về bảo vệ trẻ em nhưng đáng tiếc là từ năm 2011-2016, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 51 vụ xâm hại tình dục trẻ và được các ngành chức năng các cấp vào cuộc can thiệp, hỗ trợ về nhiều mặt. Nóng nhất là 3 tháng đầu năm nay, đơn vị chức năng tiếp nhận thông tin mới 6 vụ nghi vấn trẻ bị xâm hại. Các đơn vị đã và đang tập trung thực hiện các bước giám sát, can thiệp và tư vấn nhiều mặt cho người bị hại; song song đó tiến hành thu thập chứng cứ, khẩn trương hoàn tất hồ sơ kết luận về mặt pháp luật, để sớm đưa ra xét xử đối với đối tượng có hành vi đê hèn với các em.

Sở LĐTBXH là cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo công tác chuyên môn phối hợp với nhiều sở, ngành khác và 10 địa phương trong tỉnh triển khai các chỉ tiêu, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, đơn vị đã tham mưu tỉnh ban hành Quy chế phối hợp liên ngành số 355/2015/QCPH-LĐTBXH-YT-GDDT-TP-CA-TA, nêu rõ công tác trợ giúp cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, cụ thể là trẻ em bị xâm hại tình dục. Theo quy chế phối hợp này, các đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ ngành dọc từ tỉnh đến huyện, xã và cả cộng tác viên thôn, tổ dân phố đề cao một số nội dung cơ bản, như làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền cho các cấp, các ngành và phụ huynh có con em quan tâm hơn trong việc quản lý, để tránh những trường hợp bị xâm hại xảy ra. Ở thôn hoặc tổ dân phố, các cộng tác viên bảo vệ trẻ em, tư vấn công tác xã hội và nhân viên ngành LĐTB&XH cùng phối hợp, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể xã hội và cộng đồng, gia đình kịp thời ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

3 năm gần đây, hoạt động tích cực mà ngành đã làm được như xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng ở 41 xã. Chúng tôi còn xây dựng thành công mô hình sinh hoạt ở 47 xã phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; thành lập và đi vào hoạt động thiết thực 3 điểm tham vấn cộng đồng, Hội đồng tư vấn công tác xã hội cấp tỉnh và 2 Trung tâm Công tác xã hội cấp tỉnh, thành phố Kon Tum. Thông qua các đơn vị và đội ngũ cán bộ, nhân viên trực thuộc trên, các hoạt động về bảo vệ - chăm sóc và giáo dục các em được tổ chức tập trung tuyên truyền tại cơ sở, cộng đồng khu dân cư, trường học về chuyên đề nêu cao cảnh giác trước nhiều vấn đề nổi cộm, tác hại của các tệ nạn xã hội. Nhiều buổi nói chuyện chuyên đề sâu hơn còn nêu cho các em nhận dạng hành vi tiêu cực, thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục là như thế nào; tư vấn, hướng dẫn cho các em về các kỹ năng, phương án xử lý khẩn về phòng ngừa, ngăn chặn và tự bảo vệ bản thân trước mọi tình huống…

Về lâu dài, những hoạt động tích cực trên sẽ được ngành nhân rộng và thực hiện thường xuyên ở cơ sở. Ngoài ra, đơn vị còn chỉ đạo các phòng chuyên môn, địa phương tiếp tục duy trì các mô hình, hệ thống bảo vệ trẻ em đã được thành lập thời gian qua. Từ đó, giúp các bậc cha mẹ, người lớn và bản thân trẻ tự phát hiện, tự bảo vệ trước những biểu hiện nghi vấn bị dâm ô, bị xâm hại tình dục.

- Trong tình huống có trẻ không may rơi vào trường hợp bị xâm hại thì người lớn nên xử lý như thế nào, thưa ông?

Khi phát hiện nghi vấn trẻ em bị xâm hại tình dục, người thân sớm liên hệ với cộng tác viên bảo vệ trẻ em thôn, khu dân cư. Cán bộ này sẽ hỗ trợ thân nhân người bị hại trực tiếp gặp gỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng can thiệp theo Quy chế phối hợp liên ngành số 355 về quy trình bảo vệ, can thiệp và trợ giúp trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt.

Đối với Sở LĐTB&XH, đơn vị có Hội đồng Tư vấn công tác xã hội cấp tỉnh trực tiếp tiếp nhận và tư vấn cho trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Người dân có thể liên hệ, chia sẻ thông tin qua số điện thoại trực 24/24: 0603.917.381, Trung tâm Bảo trợ & Công tác Xã hội tỉnh: 0603.862.991, và tư vấn viên công tác xã hội: 0983.193.764; hoặc bấm số diệu kỳ (không tính cước phí) của Bộ LĐTB&XH về bảo vệ khẩn trẻ em bị xâm hại: 18001567. 

Ngoài ra, về mặt nghiệp vụ, đơn vị chúng tôi còn căn cứ tình hình thực tế, để triển khai Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại tình dục, với 5 bước trong công tác xã hội: Bước 1, tiếp nhận thông tin; kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguy cơ. Bước 2, thu thập thông tin, xác minh và đánh giá cụ thể nguy cơ. Bước 3, xây dựng và phê duyệt kế hoạch can thiệp, trợ giúp. Bước 4, thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp. Bước 5, rà soát, đánh giá nguy cơ và báo cáo kết quả can thiệp, trợ giúp.

Thực tế, một gia đình có trẻ em không may rơi vào hoàn cảnh trên, người thân cố gắng giữ vững tâm lý bình tĩnh, nỗ lực trấn an, tạo cảm giác an tâm cho các em. Đồng thời, phụ huynh tìm mọi cách liên lạc với cơ quan chức năng tại địa phương, nhân viên công tác xã hội để bảo vệ hiện trường, vật chứng gây án của kẻ xấu. Những thông tin của các cháu, trong quá trình thực hiện với nguyên tắc giữ bí mật cho thân chủ, tránh ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình, người bị hại và thường kết nối các điều kiện để phục hồi về tâm lý cho trẻ… 

Xin cảm ơn ông!

Trần Hà (thực hiện)

Chuyên mục khác