Xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai): ​Nóng chuyện phá rừng và làm nhà trái phép

20/08/2017 18:31

​Những ngày gần đây, ở xã Ia Đal (huyện Ia H'Drai) “nóng” lên từng ngày khi các đối tượng nơi khác đến địa bàn ngang nhiên dựng nhà trái phép cũng như chặt cây phá rừng làm rẫy. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động và cả nhắc nhở, xử phạt, yêu cầu trả nguyên hiện trạng ban đầu, nhưng các đối tượng sai phạm vẫn không tuân thủ quy định theo pháp luật...

Từ dựng nhà trái phép…

Theo báo cáo của UBND xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai), trên địa bàn có tổng diện tích rừng hơn 20.000ha, trong đó 12.000ha đã bàn giao cho các đơn vị chuyển đổi đất rừng sang trồng cây cao su, còn lại trên 8.000ha đất có rừng khu vực vành đai biên giới thuộc quản lý địa phương theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền.

Nhà dựng trái phép khu vực xã biên giới Ia Đal của hộ ông Lê Hồng Hà. Ảnh: M.T

 

Nếu căn cứ theo các quy định của Nghị định này, tổng diện tích đất và đất rừng địa phương không thuộc đất quy hoạch làm điểm dân cư. Tuy nhiên, bất chấp các quy định của nhà nước, thời gian qua, các đối tượng ở địa phương khác đã tự ý dựng nhà, làm lán trại để ở, kinh doanh buôn bán nông sản, phá rừng trái phép ở vành đai biên giới, đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.

Phản ánh của một số công nhân các đơn vị trồng cao su ở xã Ia Đal, tháng 1/2017, các chủ buôn thu mua hàng nông sản (chủ yếu mì lát khô) của người dân Campuchia vận chuyển dọc biên giới giáp ranh với xã Ia Đal đã xảy ra tranh mua, tranh bán dẫn đến ẩu đả, gây mất trật tự trên địa bàn.

Từ thông tin của quần chúng, UBND xã đã mời các chủ hàng về làm việc, nhắc nhở, yêu cầu cam kết thực hiện đúng quy định về kinh doanh lành mạnh, không để xảy ra tình trạng trên ở khu vực biên giới.

Ông Võ Tấn Lạc - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: Cuối năm 2015 đến nay, UBND xã Ia Đal thực hiện chỉ đạo của huyện, tỉnh nhiều lần tiến hành phối hợp với các lực lượng chức năng, đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, kiểm tra nhân thân, hoạt động thương mại, xây dựng nhà ở, làm rẫy, ra vào khu vực vành đai biên giới… theo quy định. Thực tế có 9 trường hợp tự ý dựng nhà trái phép và chủ hộ chưa tuân thủ các quy định về đi lại, buôn bán khu vực xã vùng biên. Nổi lên có các hộ ở thôn 1, 7, 8: Lê Công Lý, Nguyễn Thị Mỹ Hậu, Trần Thị Hồng (cùng trú tại xã Ia Đal), Phan Đình Hoàng (trú khu phố 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) và Lê Hồng Hà (trú tại số nhà 64 - Bùi Thị Xuân, thành  phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) sống bằng nghề kinh doanh hàng nông sản vùng biên giới.

Điều đáng nói, trong số các hộ dựng nhà trái phép trên, có ông Lê Hồng Hà cùng vợ là Lê Thị Thừa nhiều lần bị xử phạt hành chính làm nhà trái phép, cố ý gây rối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở UBND xã do có liên quan đến việc tranh mua, tranh bán nông sản khu vực biên giới; thường xuyên đưa các đối tượng từ tỉnh Gia Lai vào cư trú bất hợp pháp tại địa bàn.

Qua xác minh nhân thân, năm 2014, vợ chồng ông Hà cùng một số đối tượng trung chuyển hàng lậu (thuốc lá ngoại), buôn bán hàng cấm qua biên giới bị lực lượng chức năng phát hiện, chuyển hồ sơ cơ quan pháp luật xử lý với bản án phải thi hành 3 năm tù treo/người và thời gian thử thách 5 năm/người. Việc cư trú của gia đình ông Hà tại xã Ia Đal là bất hợp pháp theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP về "Quy chế khu vực biên giới đất liền", tại Mục 2, Khoản 2, Điều 5, Chương II: “người được hưởng án treo, người đang bị quản chế không được cư trú tại khu vực biên giới đất liền”.

UBND xã đã có văn bản chuyển đến các đơn vị chức năng huyện đề nghị phối hợp giải quyết trường hợp gia đình ông Hà theo đúng quy định pháp luật, nhưng vẫn chưa nhận được sự kiên quyết vào cuộc.

…Đến phá rừng làm rẫy

Theo báo cáo của UBND huyện Ia H’Drai, từ năm 2016 đến tháng 8/2017, trên địa bàn xã Ia Đal đã xảy ra 9 vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép với tổng khối lượng 200,854m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, các đối tượng có liên quan đã bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp “núp bóng” là công nhân của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi đất rừng sang trồng cây cao su, đã lợi dụng việc quen thuộc địa bàn ở các xã biên giới để vào rừng chặt cây, làm rẫy trong thời gian khá dài và bị người dân tố giác đến các cấp chính quyền.

Cán bộ địa chính xã Ia Đal đưa phóng viên đi thực tế khu vực rừng bị người dân tự ý chặt cây để làm rẫy. Ảnh: M.T

 

Chẳng hạn như trường hợp ông Hà Văn Cảnh là công nhân thuộc Nông trường Cao su Suối Đá (Công ty CP Cao su Sa Thầy) tự ý phá rừng do xã quản lý khoảng 6ha để làm rẫy (tại khoảnh 6, tọa độ X:490144, Y:156286 thuộc tiểu khu 737), từ năm 2014 đến nay.

Theo hướng dẫn của ông Đặng Quốc Thắng - cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Ia Đal, chúng tôi đi thực tế tại khu vực được cho là đất rừng bị ông Cảnh tự phá làm rẫy với hiện trạng còn nhiều gốc gỗ sao có đường kính 50 - 70cm đã bị chặt hạ còn sót lại, nằm xen giữa vạt cây điều trồng lưa thưa cao chừng 1,5m.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Văn Cảnh tại thôn Ia Đal nhằm tìm hiểu thực hư sự việc nhưng ngôi nhà của ông Cảnh đã khóa trái cửa, không có người ở và cũng không liên lạc được bằng điện thoại.

Đến cơ quan quản lý của ông Cảnh, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Nông trường Cao su Suối Đá cho hay, năm 2016, đơn vị tuyển dụng ông Hà Văn Cảnh làm công nhân và giao chăm sóc 5ha cao su. Trong quá trình công tác, công nhân này rất ít giao tiếp với các công nhân khác tại đơn vị. Nhiều anh chị em nhân viên còn không ít lần thông tin, ông Cảnh có nhiều mối quan hệ phức tạp ngoài xã hội và từng bắn người khác bị thương khi đi bẫy thú ở rừng biên giới. Nhiều lúc, ông còn vắng mặt nơi cư trú, đi lại với các đối tượng khác sang biên giới Campuchia.

Riêng vụ việc được cho là “mượn rừng” của Nông trường để… làm rẫy của ông Cảnh, ông Hiền khẳng định: Tôi đã làm việc với UBND xã Ia Đal, có trả lời dứt khoát Nông trường Cao su Suối Đá không có đất rừng ở trong khoảng 6 tiểu khu 737, để cho anh Cảnh mượn 6ha rừng làm rẫy. Bởi lẽ diện tích rừng này không thuộc quyền sở hữu của đơn vị được giao chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su. Hiện tại, Ban giám đốc Nông trường đang nỗ lực tìm kiếm, liên lạc với anh Cảnh để xử lý vụ việc liên quan, nhưng đều không có tin tức gì.

Cần xử lý kiên quyết

Trước các vấn đề nóng, có tính phức tạp đang diễn ra trên địa bàn xã Ia Đal, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai thừa nhận: Trước tháng 5/2015, huyện này chưa thành lập, đã tồn tại một số nhà xây dựng trái phép hoặc xây nhà trên đất chưa được công nhận sở hữu. Các hộ chủ yếu buôn bán, thu mua nông sản cho người dân phía tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Sau khi về nhận công tác tại địa phương, tôi đã chỉ đạo rất ráo riết việc kiểm tra, quản lý kinh doanh, đi lại, xây dựng nhà… khu vực biên giới. Trong đó, trách nhiệm chính là UBND các xã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tại chỗ. Tuy nhiên, các trường hợp xây dựng nhà ở trái phép vẫn chưa ngăn chặn, xử lý triệt để.

Gỗ tập kết tại tiểu khu 737, được cán bộ kiểm lâm xã Ia Đal xác nhận thuộc Công ty XNK Kon Tum có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: M.T

 

Chúng tôi đã đặt câu hỏi đối với Chủ tịch UBND huyện: Với trách nhiệm người đứng đầu một địa phương, có hướng xử lý như thế nào đối với 14 trường hợp dựng nhà trái phép đang diễn ra ở biên giới huyện Ia H’Drai (trong đó có xã Ia Đal)? Ông Nguyễn Văn Lộc thẳng thắn, địa phương đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về các trường hợp xây dựng nhà trái phép khu vực biên giới theo Nghị định 34 của Chính phủ và đề xuất chủ trương cho quy hoạch vị trí đất mới trên địa bàn. Nếu tỉnh xem xét đồng ý, UBND huyện sẽ quy hoạch chi tiết lại hiện trạng đất trên địa bàn các xã, có thể cho san ủi và mời các hộ (lập nhà trái phép) có nhân thân tốt, có quyền công dân, không vi phạm pháp luật có nhu cầu thuê đất tham gia đấu giá đất xây dựng nhà đúng quy định, nếu không được buộc phải dời khỏi địa bàn vùng biên.

Ông Lộc cũng phản hồi ý kiến về một số tờ báo đã thông tin chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ và tình hình an ninh trật tự các xã biên giới, UBND huyện đã và đang chỉ đạo phòng, ban chức năng vào cuộc. Trước mắt có kết luận, đối với thông tin phản ánh ông Ngụy Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Ia Đal hiện đang sở hữu một khối lượng gỗ thuộc loại khủng 75m3 để làm nhà tại cơ sở mộc ông Trịnh Xuân Thắng tại thôn 4 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) là chưa đúng sự thật. Ngôi nhà này thuộc quyền sử dụng của bà Hà Thị Thương - chị dâu của ông Thắng và toàn bộ gỗ bị niêm phong kiểm tra chỉ có 11m3, có nguồn gốc tận thu khai hoang rừng của các công ty cao su tại chỗ. Ông Thắng mua lại và bán toàn bộ số gỗ ra thành phẩm là khung nhà bằng gỗ, cho ông Chu Hoàng Mi Sa cùng cư trú địa chỉ xã Ia Đal để làm nhà.

Mặt khác, thông tin Tiểu khu 737, thuộc địa bàn xã Ia Đal có nhiều gỗ tròn, gỗ xẻ nằm rải rác vệ đường có đường kính cả mét vừa bị chặt hạ không có thật, bởi qua kiểm tra thực tế chỉ có khu vực khoảnh 3, thuộc tiểu khu 737 có một số cây gỗ tròn xác minh nguồn gốc rõ ràng và dấu búa kiểm lâm của Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Kon Tum nhập khẩu từ Campuchia về bãi tập kết để tiếp tục trung chuyển theo địa chỉ của đơn vị này.

Đặc biệt, trường hợp ông Cảnh bị người dân tố giác và qua kiểm tra, kiểm lâm xã, huyện bước đầu khẳng định đối tượng này có dấu hiệu xâm hại đất rừng do xã Ia Đal quản lý để làm rẫy thuộc khoảnh 6, tiểu khu 737 (tọa độ X: 490144, Y: 1561286), theo số liệu thống kê đất rừng năm 2014 trên địa bàn.

Cũng theo ông Lộc, sau khi có kết luật chính thức liên quan từ các ngành chức năng huyện, tùy từng nội dung vụ việc, địa phương sẽ có các bước xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại trong giải quyết vướng mắc, công tác chưa đúng quy định không chỉ ở xã Ia Đal, mà còn các xã khác.

Mai Trâm

Chuyên mục khác