03/08/2017 18:20
Bất lực nhìn xe tải thi nhau chạy trên đường
Theo phản ánh của người dân thôn 5, khoảng hơn một tháng nay, tại khu vực suối Máu giáp ranh giữa xã Hoà Bình và xã Ia Phí (huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép.
Hằng ngày, nhất là vào buổi chiều, các xe chở cát cứ nườm nượp vào suối lấy cát rồi chở ra đi qua con đường bê tông mà Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân góp thêm tiền, góp công để làm mới chưa được 2 năm nay.
|
Phóng viên đã bám theo những chiếc xe tải đi vào khu vực khai thác cát, từ đầu thôn 5 đến suối Máu chỉ khoảng 2km, đi qua trục đường chính trải bê tông của thôn và một đoạn đường đất khá lầy lội nằm giữa rừng cao su, điểm khai thác cát chỉ nằm cách đường lớn vài chục mét.
Vào khoảng 15h ngày 31/7, phóng viên ghi nhận tại khu vực khai thác cát, một chiếc máy đang bơm cát từ suối lên 1 chiếc xe tải, một chiếc đậu bên cạnh đang chờ đến lượt, ngay ngoài đường là một chiếc xe đựng đầy cát trên thùng đang chuẩn bị xuất phát.
Một lát sau, khi một chiếc xe được múc đầy cát đi ra, hai lái xe hô nhau lên đường còn một chiếc vẫn ở lại lấy cát. Hai chiếc xe lắc lư di chuyển qua cung đường đất hai bên hằn sâu rãnh của bánh xe. Đi đến đâu nước từ trên thùng xe chảy xuống đến đó làm cho quãng đường vốn đã lầy lội càng thêm lầy lội. Đến đoạn đường bê tông, các xe bắt đầu tăng tốc phóng vùn vụt, người dân đi hai bên đường đều phải tránh xa cho xe chạy.
Ông N.V.H than phiền: Đây là đường làm theo tiêu chuẩn nông thôn nên không thể chịu được tải trọng lớn, mỗi lần thấy chiếc xe lớn đi qua người dân chúng tôi ai cũng xót ruột, nhất là đợt này mưa nhiều, nền đất bị yếu mà xe lớn cứ đi như thế này thì không biết con đường chịu được bao lâu. Để làm con đường này, người dân chúng tôi mỗi nhà phải góp từ 500.000 – 1.500.000 đồng, cả làng ai cũng có ý thức bảo quản để cho đường bền, đẹp, người làng ai có nhu cầu chở gì cũng không được đưa xe có tải trọng quá 5 tấn vào, vậy mà người làng khác đến làm cát, xe ở đâu đến chở cứ đến đây thi nhau giày xéo con đường. Chưa kể, mặt đường nhỏ hẹp, người dân đi lại nhiều, trẻ con trong làng cũng hay chạy chơi ra đường thế mà xe cát cứ chạy ầm ầm thì rất nguy hiểm.
Đoạn đường bê tông là trục đường chính của thôn, trước đây là đường đất, cuối năm 2015, Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân đóng góp công sức, góp thêm tiền bạc để bê tông hoá. Đoạn đường có chiều dài gần 1km, do đợt này xe chạy nhiều nên nhiều chỗ mặt bê tông đã bong tróc. Ngay cả con đường đất hằng ngày người dân vẫn đi làm qua, trước đây mưa thì ướt chứ không lầy lội, đầy hố rãnh như bây giờ. Xót xa cho con đường, nhưng người dân không ai dám đứng ra ngăn cản hay trực tiếp ý kiến bởi họ sợ.
Lo lắng của người dân là hoàn toàn có căn cứ bởi bản thân phóng viên đã được trải nghiệm điều này khi vừa từ trong thôn đi ra được một quãng thì đã có một người bám theo sau “hỏi thăm”. Cũng may trước khi về, phóng viên đã kịp cải trang, lánh qua một đoạn đường khác và tìm cách chối khéo các câu hỏi nên người đàn ông đó mới “bỏ qua”.
Người dân nói đã báo, chính quyền bảo không biết
Trước tình trạng xe chở cát lậu tung hoành trên trục đường thôn 5, người dân đã báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân trong thôn, chính quyền giải thích rằng đây là tuyến Quốc lộ 14B nên mọi loại xe có quyền lưu thông, vậy là người dân đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” hằng ngày nhìn con đường bị xe chở cát cày xới.
|
Sáng 1/8, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Phạm Phước – Chủ tịch UBND xã Hoà Bình. Ông Phước cho rằng: Đó là trước đây người dân phản ánh về việc có một số xe tải lớn vì né trạm cân tại đèo Sao Mai nên đi vào con đường này để sang Gia Lai; trục đường bê tông của thôn 5 do thuộc tuyến Quốc lộ 14B nên chúng tôi không có quyền ngăn cản xe chạy; còn về việc xe chở cát trái phép chạy qua đây thì xã chưa nghe thông tin gì. Thực sự, chúng tôi chỉ biết tình trạng này khi chiều qua (chiều tối ngày 31/7) phóng viên liên hệ làm việc. Ngay sau đó, tôi cùng một số anh em đã vào đó để kiểm tra tình hình, đây đúng là khu vực khai thác cát trái phép mà chúng tôi không hề biết; chúng tôi phát hiện một chiếc máy hút cát đang nằm trên suối nhưng không có người, thực tế đây là người của bên Gia Lai khai thác và vị trí đặt máy nằm sát bên phần địa phận Gia Lai nên chúng tôi không thể thu giữ. Tại điểm hút cát vẫn còn một bãi cát nhỏ, đây là vị trí giáp ranh nên rất khó phát hiện, quản lý.
Tuy nhiên, theo một số người dân, những người tổ chức khai thác cát tại khu vực suối Máu là người thuộc xã Hoà Bình, họ biết rất rõ nhưng không ai dám nói. Và những chiếc xe chở cát tại điểm khai thác này cũng đều mang biển kiểm soát Kon Tum.
Khi phóng viên đặt lại câu hỏi: Nếu không xử lý được việc khai thác cát do những khó khăn khách quan thì còn tình trạng xe chở cát ngày ngày chạy rầm rầm qua đoạn đường thôn 5 thì sao?
Ông Phước giải thích rằng: Ở trong thôn đã có Ban nhân dân thôn, công an thôn, họ cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ con đường của mình. Về phía chính quyền xã, thực sự thời gian qua chúng tôi không biết, từ hôm nay chúng tôi cũng sẽ tăng cường lực lượng để theo dõi và nếu phát hiện có xe chở cát trái phép sẽ xử lý.
Xe chở cát trái phép cũng như tình trạng nhiều xe quá tải thi nhau đi vào con đường này khiến người dân thôn 5 bất bình và lo lắng cho tuổi thọ của con đường là điều đương nhiên. Chính quyền xã Hoà Bình và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này để không gây bức xúc cho người dân và xảy ra những hệ lụy đáng tiếc khác.
Ngọc Thắng