Trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ

19/04/2017 08:58

​Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng và 93% số nghi phạm trong các vụ xâm phạm tình dục trẻ em là những người thân quen đã đặt ra yêu cầu các gia đình phải trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình.

Chị Lan - một người mẹ ở thành phố Kon Tum cho biết, hàng ngày, chị phải dậy từ 4h sáng để kịp bắt chuyến xe đò sớm lên tận huyện Kon Plông mua bán hàng nông sản. Đến 10h đêm chị mới về đến nhà. Ba người con của chị tự chăm sóc, trông coi nhà cửa; trong đó có cậu con trai đầu 15 tuổi và hai bé gái 12, 8 tuổi. Chị nói: Việc dạy con kỹ năng sống đã khó, mà truyền kinh nghiệm về tự bảo vệ bản thân, không để người khác xâm hại càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, qua cuộc sống và phương tiện thông tin, chị đã dạy các con cảnh giác trước những lời dụ dỗ, lời hứa được cho tiền, tặng quà...; luôn nhớ số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà và không mở cửa nhà cho người lạ hoặc hàng xóm, người quen sơ khi không có mẹ ở cùng…

Các tư vấn viên công tác xã hội tham gia tiết mục tuyên truyền về chủ đề Hỗ trợ, tư vấn cho gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục. Ảnh: N.K

 

Ủng hộ việc trang bị cho các con về kỹ năng tự bảo vệ, bà Huỳnh Thị Kim Liên - Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thành viên Hội đồng Tư vấn Công tác xã hội tỉnh (thuộc Sở LĐTB&XH) cung cấp thông điệp cho trẻ em biết phân biệt cảm xúc, tâm trạng, kỹ năng tự phòng vệ những nguy cơ, tình huống nguy hiểm đó là: Nói không trong mọi tình huống khi có người yêu cầu giúp đỡ, bỏ đi và kể lại việc này cho người thân, hoặc địa điểm gần nhất có thể trải lòng về địa chỉ, nhân vật tiếp xúc và sự việc xảy ra.

Bà Liên cũng đưa ra lời nhắn nhủ các bậc cha mẹ thường xuyên quan tâm các con, giáo dục cho các em biết yêu thương và quý trọng thân thể của mình, để hiểu rằng không may bị xảy ra tình huống bị xâm hại, thì trẻ không có lỗi, nên bình tĩnh, không tự ti hay mặc cảm xa lánh mọi người; ngược lại các em cần chia sẻ, kể lại cho người mình tin tưởng để có hướng giúp đỡ, can thiệp.

Đặc biệt, bà Liên chia sẻ, thông qua các đợt tập huấn của nhiều nhà tâm lý học về tội phạm và giáo dục học thuộc các tổ chức Plan, Uncief tại Việt Nam tại tỉnh ta, các hoạt động tham vấn, cũng như truyền đạt kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc an toàn cho các em, được rút ra những nguyên tắc cơ bản cần được phổ biến tự vệ cho trẻ em. Các em phải nằm lòng “Không ai khác, chính các con là chủ cơ thể của mình”. Các con cần biết tên, địa chỉ, số điện thoại bố mẹ. Người tốt thì không bao giờ đề nghị trẻ em giúp đỡ mình, nếu cần thật họ sẽ tìm đến người lớn khác khi cần được giúp đỡ. Con không bao giờ được đi đâu hay lấy bất cứ thứ gì từ người mình không quen biết. Trước khi đi đâu với ai, thay đổi kế hoạch hoặc lên xe của người nào, cho dù là người quen thì con cần phải hỏi ý kiến bố mẹ trước. Nếu bố mẹ cho phép thì con có thể đi, trong trường hợp không thể hỏi, không liên lạc được hay bố mẹ không có ở nhà..., thì câu trả lời luôn luôn là “không”.

Đặc biệt, các ông bố và mẹ, người tin tưởng của các em phải luôn giáo dục, giúp trẻ hiểu vùng nhạy cảm của cơ thể của mỗi người là quyền riêng tư, không ai được phép xâm phạm. Các con không cần phải giữ lịch sự khi có ai đó làm con sợ hãi hay cảm thấy khó chịu; hãy dứt khoát nói "không” với họ; không giữ bất kỳ bí mật nào khi có ai làm con sợ hay lo lắng. Nếu bị lạc ở nơi công cộng, hãy hét to lên cho mọi người thấy hoặc tìm xem xung quanh có người nào là mẹ đi cùng với con của họ không để nhờ giúp…

Nguyên Khôi

Chuyên mục khác