Thấp thỏm nỗi lo mất trộm cà phê

03/11/2014 08:05

Kẻ trộm dùng “chiêu thức” cắt cành khiến người dân Ia Chim nơm nớp lo sợ vì không chỉ bị trộm hớt tay trên vụ này mà còn ảnh hưởng năng suất những vụ sau.
Bà Trần Thị Lan nhặt mót lại những hạt cà phê vung vãi. Ảnh: H.T 

 

Cắt cành

Những ngày này, tại xã Ia Chim, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người trồng cà phê than thở vì bị trộm hớt tay trên sau cả năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” chăm sóc. Điều đáng nói, thay vì tuốt hạt tại cây, trộm lại cắt trụi cành mang đi nơi khác tuốt khiến người dân không chỉ lo lắng trong vụ này mà còn nơm nớp lo sợ mất mùa trong vụ sau. 

Dẫn chúng tôi đi xem những cây cà phê vừa bị trộm “ghé thăm”, cắt trụi cành, trơ thân, bà Phạm Thị Lan (47 tuổi) ở thôn Tân An bức xúc: Cứ cây nào trái to, sai trĩu là nằm vào tầm ngắm của bọn chúng. Số lượng mất chưa nhiều nhưng ngặt nỗi, bọn chúng cắt trụi cành như thế này, sang năm coi như mất thu.

Đến cạnh đống cành cà phê đã bị tuốt sạch quả do những kẻ trộm cắp bỏ lại dưới một gốc cà phê cách khu vực bị mất không xa, vừa nhặt những quả bị rơi vung vãi dưới gốc, bà Lan chia sẻ: Mọi năm khi cà phê chín mới xuất hiện trộm, thế mà năm nay đang còn xanh non trộm đã lộng hành rồi. Cà phê được mùa, được giá, chưa kịp vui mừng đã phải lo trăm bề.

Chung cảnh ngộ với nhà bà Lan, vườn cà phê của ông Nguyễn Đình Sáu ở thôn Nghĩa An cũng bị trộm vào bẻ cành. Theo lời của ông Sáu, ông có 1ha cà phê tại khu vực làng Klâu Lăh, lúc ông và vợ vào thăm vườn thì phát hiện có 2 bao cà phê, mỗi bao tầm 50kg được may miệng cẩn thận đang để giữa vườn. Sau một hồi kiểm tra, ông mới tá hoả khi thấy gần 200 cây bị trộm cắt cành. “Bọn chúng phăng ngang ngọn cây, bấm trụi những cành sai trái, khi còn hai bao chưa kịp chở đi thì bị chúng tôi phát hiện. Chúng cắt rải rác khắp vườn để mình khó kiểm soát, làm vườn cà phê nham nhở, thấy mà xót ruột” - ông Sáu than thở.

Còn chị Trần Thị Ngọc Thư tại thôn Tân An chia sẻ: Nhà tôi có 5 sào cà phê ở khu vực Klâu Lăh, giáp ranh với làng Plei Bur. Cứ nghĩ trái còn xanh non, ai hái làm gì. Vậy mà chúng “thu dùm” gần 2 tạ tươi rồi.

Theo lời của người dân nơi đây, mới đầu mùa nhưng đã có nhiều người đi tìm và thu mua cà phê. Đầu ra thuận lợi, giá cà phê tươi lại hơn 8 ngàn đồng/1kg nên tình trạng trộm cà phê diễn ra sớm. Đặc biệt, bọn trộm ngày càng tinh vi, nhận thấy tuốt cà phê tại cành khá lâu, lại bị động nếu như bị phát hiện nên sử dụng “biện pháp” cắt cành rồi mang đi nơi khác tuốt hạt để vừa nhanh, vừa dễ trốn chạy khi bị phát hiện.

Tăng cường canh giữ

Hiện nay, toàn xã Ia Chim có 540ha cà phê. Vào thời điểm này, tại xã  giá cà phê tươi được thu mua khoảng 8 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá khá cao nên nguy cơ mất cà phê càng cao, các hộ dân nơi đây phải cắt cử người canh giữ thường xuyên.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bạch Yến ở thôn Nghĩa An cho biết: Từ lúc mất cà phê, ngày nào chồng con tôi cũng túc trực ngoài rẫy. Hiện tại đã có chòi trong rẫy sẵn rồi, vài ba hôm nữa chồng con tôi vào rẫy ở lại luôn.

Còn ông Sáu, ngay sau khi phát hiện mất cà phê đã báo sự việc với công an xã, già làng, thôn trưởng làng Klâu Lăh để theo dõi và kịp thời xử lí. Đồng thời, ông làm chòi, tối nào cũng túc trực tại rẫy để canh giữ.

Giữ một mình không xuể, nhiều hộ gia đình có rẫy gần nhau đã liên kết để chung sức giữ cà phê, như hộ ông Nguyễn Tới (thôn Nghĩa An) và hộ ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Tân An) có vườn cà phê liền kề nhau, đã phối hợp cùng canh giữ. Hay nhà chị Thư cũng kết hợp với 4 - 5 anh em làm cà phê gần nhau, cùng đi canh giữ trộm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thư cho biết: Trộm cà phê thường đi thành nhóm nên đi giữ một mình rất nguy hiểm, chồng tôi liên kết với các anh em, đi canh giữ cùng lúc, để có chuyện gì mọi người cùng hỗ trợ nhau…

Trước tình trạng trộm cà phê lộng hành, chính quyền xã đã kịp thời thông báo với người dân để mọi người cảnh giác, tăng cường công tác canh giữ. Công an xã cũng đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, ông Nguyễn Danh Bảo - Phó trưởng công an xã Ia Chim cho biết: Chúng tôi sẽ mời tất cả những người thu mua cà phê trên địa bàn đến họp, quán triệt không cho mua cà phê quá xanh, đặc biệt là khi thanh niên hoặc trẻ em bán thì nhất quyết không được mua, phải báo cho xã đến kiểm tra, nếu xác định là của trộm cắp sẽ xử phạt nghiêm theo quy định.

                                 Hoài Tiến

 


 

Chuyên mục khác