05/11/2018 06:59
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, để có đá cung cấp cho các quán nhậu, quán karaoke…, nhóm người trên dùng thủ đoạn ép những cơ sở sản xuất đá tinh khiết không được bán trực tiếp cho các quán như trước đây mà phải bán cho bọn chúng với giá “bèo” để chúng nhằm độc quyền trong cung cấp “đá lạnh tinh khiết” cho các quán, với mục đích thu lãi thật nhiều.
Điều đáng nói, mức giá do nhóm người này đưa ra quá thấp so với giá thị trường, khiến cho các cơ sở sản xuất “đá lạnh tinh khiết” không có lãi, thậm chí còn bị thua lỗ, có cơ sở buộc phải đóng cửa...
Ghé vào một cơ sở sản xuất “đá lạnh tinh khiết” (chủ cơ sở đề nghị giấu tên, địa điểm), khi biết chúng tôi là nhà báo chủ cơ sở này vừa mừng, vừa sợ. Mừng vì những khó khăn của cơ sở do bị nhóm người trên chèn ép, cướp bạn hàng trong khoảng hơn 1 tháng qua sẽ được thông tin để các cấp, các ngành chức năng vào cuộc tháo gỡ, xử lý, thiết lập lại hoạt động lành mạnh trong lĩnh vực này. Sợ vì nếu sau khi nhà báo phản ánh mà các cấp, các ngành chức năng làm “không tới nơi, tới chốn” thì sẽ bị trả thù, hết đường làm ăn.
Sau một hồi đắn đo suy nghĩ và được chúng tôi thuyết phục, chủ cơ sở này cho biết, thời gian gần đây có một nhóm người hung tợn, xăm trổ đầy mình đến đặt vấn đề từ nay cơ sở chúng tôi không được đi cung cấp đá lạnh tinh khiết (loại đá uống bia và đá uống cà phê - PV) ở một số quán mà từ trước đến nay hàng ngày chúng tôi vẫn cung cấp.
|
Hiện, mỗi bao đá nặng khoảng từ 28 - 30kg được chúng tôi cung cấp ra bên ngoài với giá 22.000 đồng, lợi nhuận thu về chỉ từ 2.000- 3.000 đồng. Tuy nhiên, nhóm người này đặt vấn đề, từ nay trở đi chúng tôi không được đi bán trực tiếp cho những nơi có nhu cầu mà phải bán đá cho chúng với giá chỉ 15.000 đồng 1 bao; với giá này chúng tôi sẽ bị lỗ khoảng 5.000 đồng/bao. Nếu không bán thì bọn chúng đe dọa, ngăn cấm làm cho bạn hàng không tiếp tục lấy đá của gia đình tôi. Trong khi đó, để mở xưởng sản xuất đá thì gia đình tôi đã phải đi vay mượn tiền, ngoài ra hàng tháng phải trả lương cho 6 công nhân hơn 30 triệu đồng mà đá sản xuất ra không thể bán thì biết lấy đâu bù vào? Nhiều lúc vợ chồng tôi bàn tính đóng cửa sản xuất đá, bán nhà để trả nợ ngân hàng, vì tiền vay mượn để đầu tư máy móc, xưởng sản xuất “ngốn” gần 2 tỷ đồng. Sản xuất thì không được, mà đóng cửa nghỉ cũng không xong, sau một thời gian thương lượng, chúng tôi buộc phải nhường 1/3 bạn hàng cho nhóm người này trực tiếp đi bỏ đá... Chủ cơ sở sản xuất đá lạnh tinh khiết than vãn với chúng tôi.
Một cơ sở sản xuất đá lạnh tinh khiết khác có thời gian hoạt động trên 14 năm, có cơ sở sản xuất nằm trên đường Đào Duy Từ, phải đóng cửa cơ sở, vì bạn hàng không mấy ai dám mua đá của cơ sở này vì bị những người lạ mặt hù dọa.
Nhìn xưởng đá hoạt động hơn 14 năm của mình giờ bị phá bỏ, do sản xuất không có đầu ra, chủ cơ sở này xót xa cho biết: Cơ sở sản xuất đá lạnh tinh khiết của gia đình tôi được xem là một trong ít cơ sở hoạt động sớm nhất ở tỉnh Kon Tum. Có khi mỗi ngày cung cấp khoảng 10 tấn đá tinh khiết, nhưng khoảng hơn 1 tháng trở lại đây có nhóm người xăm trổ đầy người đến đặt vấn đề để bọn chúng tự đi bỏ đá nhằm hưởng chênh lệch. Chúng tôi không đồng ý, vì từ trước đến nay gia đình tôi đã thuê người làm với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng; bởi, chúng tôi làm theo nhóm này thì những người làm công cho tôi sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình họ.
Do tôi không đồng ý cung cấp đá qua trung gian, bọn chúng dẫn 16 - 17 người hung tợn, đầu trọc, xăm trổ đầy mình, kéo đến các quán lâu nay vẫn lấy đá của tôi để hăm dọa, tạo áp lực và buộc họ không mua đá của gia đình tôi mà phải mua đá của bọn chúng. Chỉ trong vài ngày, hầu hết tất cả các quán nhậu, nhà hàng, karaoke… từ trước tới nay mua đá của gia đình tôi đều phải từ chối mua và chuyển sang mua đá của bọn chúng, cho dù giá chúng bán ra không thấp hơn mức giá của tôi. Tìm hiểu tại các quán này được biết, không chỉ bán đá mà nhóm người này còn kiêm luôn bảo kê quán, thu gom vỏ lon tại các quán này. Do không có “đầu ra” cho đá lạnh tinh khiết nên gia đình tôi buộc phải phá bỏ xưởng sản xuất... Chủ cơ sở sản xuất đá lạnh tinh khiết trên đường Đào Duy Từ cay đắng nói về lý do gia đình mình phải ngừng sản xuất và phá bỏ nhà xưởng đang hoạt động.
Không chỉ 2 cơ sở sản xuất đá tinh khiết trên, mà hầu hết tất cả các cơ sở sản xuất đá lạnh tinh khiết trên địa bàn thành phố Kon Tum mà chúng tôi đến tìm hiểu đều gặp cảnh tương tự.
Tìm hiều về nguồn đá lạnh tinh khiết mà nhóm người này có để cung cấp ra thị trường, chúng tôi được biết chúng lấy đá tại một cơ sở nằm trên đường Nguyễn Bặc, thuộc phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum). Mỗi khi chiều tối đến, cơ sở này đưa đá lên xe tải nhỏ màu xanh chở về tập kết tại một điểm nằm đường Hoàng Thị Loan (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Tại đây, có một “đội quân xăm trổ” chở bằng xe gắn máy đi cung cấp cho các quán nhậu, karaoke...
Một chủ quán karaoke trên đường Thi Sách cho biết, trước đây đá lạnh của quán tôi một cơ sở sản xuất ở đường Đào Duy Từ cung cấp, nhưng thời gian gần đây chúng tôi buộc phải mua đá của nhóm người “có số má” này. Mặc dù giá đá mua bên nào cũng như nhau, nhưng vì muốn “yên ổn làm ăn” nên chúng tôi phải mua đá nhóm này...
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Chí Trung - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Chi cục cũng đã nghe người dân và một số cơ sở sản xuất đá lạnh tinh khiết phản ánh có nhóm “giang hồ” đang hoạt động, tranh giành thị trường đá lạnh tinh khiết không lành mạnh và đã có ít nhất 2 cơ sở đành phải đóng cửa ngừng sản xuất. Qua nắm bắt thông tin, chúng tôi đã vài lần tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất đá tinh khiết ở đường Nguyễn Bặc. Tuy nhiên, khi chúng tôi tới nơi thì cơ sở này máy móc không hoạt động nên không thể tiến hành lấy mẫu nước kiểm tra, xử lý. Cho đến thời điểm hiện nay, cơ sở này vẫn chưa được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép hoạt động nhưng hàng ngày vẫn lén lút hoạt động cung cấp đá ra thị trường...
Việc tranh giành thị trường mua bán đá tinh khiết theo kiểu “xã hội đen” này đã gây bức xúc trong nhân dân và buộc không ít cơ sở sản xuất đá tinh khiết làm ăn chân chính phải điêu đứng và thậm chí còn đóng cửa.
|
Để có tiền tiêu xài, những đối tượng “có số má” này không những hoạt động trong các lĩnh vực quen thuộc như bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê... mà còn mở rộng lĩnh vực hoạt động, tranh giành thu mua nông sản và đến nay là thu mua vỏ lon bia và bán đá tinh khiết.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý triệt để tình trạng lộng hành của “thành phần bất hảo” này nhằm bảo đảm an ninh trật tự xã hội, trả lại môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh của người dân trên địa bàn...
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO KON TUM