19/08/2016 08:06
Thực hư chuyện trả góp 0%
Dạo quanh một vòng qua các cửa hàng bán xe máy, điện thoại di động, điện máy trên địa bàn thành phố Kon Tum, phóng viên Báo Kon Tum nhận thấy hầu như nơi nào cũng có treo biển quảng cáo bán hàng trả góp, với lãi suất rất hấp dẫn, đặc biệt là loại hình trả góp mức lãi suất 0%.
Theo đó, khách hàng chỉ cần trả trước từ 20 - 50% giá trị sản phầm và có thể lựa chọn thời gian trả góp số tiền còn lại trong vòng 3, 6 tháng hoặc lâu hơn tuỳ vào từng mặt hàng hoặc cửa hàng có triển khai chương trình này. Hình thức này thu hút nhiều người tiêu dùng, nhất là với những người có số tiền hạn chế nhưng lại muốn nhanh chóng được sở hữu một số vật dụng như: laptop, điện thoại di động, tủ lạnh, xe máy…
|
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua hàng nhưng thiếu tiền, chúng tôi ghé vào một cửa hàng điện máy trên đường Phan Đình Phùng- nơi có treo biển quảng cáo trả góp lãi suất 0%. Ngay khi vừa đặt vấn đề, tôi được hai nhân viên nhiệt tình tư vấn: Chị cần mua mặt hàng nào, ở đây cửa hàng của chúng em có bán trả góp rất nhiều mặt hàng từ ti vi, điện thoại, laptop, ipad đến máy giặt, tủ lạnh... Thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn, nếu chị mua trả góp dưới 6 tháng thì áp dụng lãi suất 0%, nếu trên 6 tháng thì mới tính lãi, lãi suất tuỳ thuộc vào thời hạn mà khách hàng lựa chọn.
Khi tôi đặt vấn đề muốn mua một chiếc tivi màn hình phẳng tầm giá từ 13 – 15 triệu đồng, vừa giới thiệu về những dòng tivi hiện đại, thông minh, các nhân viên cũng nhanh chóng tiếp thị về tính ưu việt và những điều kiện rất thoáng của chương trình. Theo các nhân viên này, mua hàng trả góp là hình thức mua sắm thông minh, tiết kiệm và hiệu quả nhất, người tiêu dùng không cần phải đợi tích cóp đủ số tiền mới mua được sản phẩm mình mong muốn, mỗi tháng chỉ cần trả một khoản tiền nhỏ là sau 6 tháng đến 1 năm sẽ hết nợ. Khách hàng mua trả góp chỉ phải trả trước khoảng 30% giá trị của sản phẩm; nếu số tiền còn lại dưới 10 triệu thì chỉ cần đưa chứng minh nhân dân và bằng lái xe, còn nếu số tiền còn lại trên 10 triệu đồng thì cần phải có chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu để cửa hàng scan lại. Để tăng thêm tính hấp dẫn, bên bán hàng còn cam kết áp dụng cho khách hàng với thủ tục thuận tiện, đơn giản, nhận sản phẩm ngay, không cần chứng minh tài chính, không cần thế chấp tài sản...
Trước những lời PR đầy hấp dẫn, thấy toàn những lợi ích cho khách hàng, tôi tự hỏi, không lẽ các doanh nghiệp bán hàng này lại tốt với người tiêu dùng đến thế, họ bỏ tiền túi và thậm chí đi vay ngân hàng về để kinh doanh mà cho khách hàng nợ không lãi?
Khi tôi thắc mắc nếu trả góp 0% thì sản phẩm có chênh lệch về giá bán so với khi người trả tiền một lần không, các nhân viên ở đây ngập ngừng hạ giọng: Tất nhiên là có chênh lệch đôi chút, nhưng không nhiều, đó là khoản để làm thủ tục, bảo hiểm, thu hộ phí do các công ty tài chính, ngân hàng- những đơn vị đứng ra cho người tiêu dùng vay mua hàng đề ra; tuỳ vào trị giá món hàng và số tiền khách hàng còn nợ mà mức phí nhiều hay ít. Khi tôi lấy một ví dụ cụ thể món hàng là chiếc tivi hiệu Panasonic 49inch với giá tiền được niêm yết tại cửa hàng là 14,29 triệu đồng, nếu trả trước 30% số tiền, số còn lại khoảng 9 triệu sẽ trả góp trong vòng 6 tháng với mức lãi suất 0%, các nhân viên ở đây tính giùm tôi, mỗi tháng tôi sẽ phải trả xấp xỉ 1,77 triệu đồng. Như vậy, tổng giá trị của chiếc tivi sẽ vào khoảng 14,900 triệu đồng, cao hơn gần 600.000 đồng so với giá “mua đứt, bán đoạn”.
Tôi nhẩm tỉnh, vậy là mỗi tháng tôi phải trả thêm bình quân 100.000 đồng bất kể số tiền gốc đã được trừ lùi hàng tháng, như vậy thì còn cao hơn lãi suất vay tiêu dùng hiện tại tại các ngân hàng, thế thì gọi gì là lãi suất 0% nữa?!
Đừng để bị lừa
Trước những lời quảng cáo “có cánh” với hàng loạt ưu đãi khiến các khách hàng nhẹ dạ rất dễ mắc bẫy của các cửa hàng, đại lý khi vừa phải mua hàng với giá cao hơn thực tế vừa trở thành con nợ.
Thực tế, khi triển khai hình thức mua hàng trả góp với mức lãi suất 0%, các doanh nghiệp đều đã nâng mức giá bán sản phẩm lên cao hơn thực tế, rồi cắt bỏ bớt các quà tặng, khuyến mãi. Song đáng báo động hơn là chương trình bán hàng trả góp dài hơi với mức lãi suất nhất định. Mặc dù các cửa hàng, đại lý đều quảng cáo là lãi suất ưu đãi; nhưng nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ thì rất dễ mua phải hàng hoá với giá cắt cổ.
Chẳng hạn như tại cửa hàng điện máy trên đường Phan Đình Phùng mà tôi tìm hiểu, khi tôi đổi ý sẽ mua hàng trả góp chiếc tivi trị giá 14,29 triệu đồng trong 12 tháng, các nhân viên ở đây cho biết, số tiền ban đầu tôi phải trả vẫn là 30% giá trị sản phẩm, mỗi tháng tôi sẽ phải trả cả gốc và lãi là 1,393 triệu đồng; như vậy, tổng giá trị chiếc tivi sau khi kết thúc kỳ hạn nợ sẽ vào khoảng 21 triệu đồng. Ban đầu, nếu chỉ nhìn vào số tiền trả góp hàng tháng, tôi cũng không mấy đắn đo vì nghĩ nó không nhiều lắm; nhưng đến khi nhìn thấy con số chênh lệch lên tới 6, 7 triệu đồng chỉ sau 1 năm thật sự làm tôi phải giật mình tự hỏi không biết mức lãi suất thực tế là bao nhiêu % nữa!
Tìm hiểu tại một số cửa hàng bán xe máy, điện máy...có triển khai chương trình trả góp được quảng cáo lãi suất chỉ 1 – 2%/tháng, tôi mới vỡ lẽ thực chất đó là mức lãi suất trọn gói đối với toàn bộ số tiền nợ; cho nên, dù số tiền gốc được trừ lùi hàng tháng thì số tiền lãi cũng không hề giảm. Thế nên nếu tính bình quân, mức lãi suất thực tế có thể lên tới 5 – 6%/tháng. Thời gian trả góp càng lâu thì tiền lãi càng nhiều và khách hàng nếu chậm nộp tiền sẽ bị phạt rất cao, nhưng cũng không được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, các nhân viên của các đại lý, cửa hàng luôn biết cách lờ đi, nói tránh các khoản lãi suất khủng mà chỉ tiếp thị về những ưu đãi, đề cập đến số tiền phải trả hàng tháng để người tiêu dùng thấy hấp dẫn mà mua.
Với những mặt hàng có giá trị không cao lắm thì mức tiền lãi mà người mua phải trả hàng tháng không nhiều, nhưng với những mặt hàng có giá trị cao như xe máy, tivi, ipad..., thì số tiền lãi là một khoản không hề nhỏ. Sau 1 – 2 năm trả góp, người mua có thể phải trả thêm 5 – 10 triệu đồng và có thể cao hơn so với giá thành thực tế, tùy thuộc vào hợp đồng trả góp trong khoảng thời gian dài hay ngắn. Không ít người lúc đầu thì vui mừng vì được sở hữu những món hàng mình mong ước khi chưa đủ tiền, nhưng sau một thời gian cứ phải còng lưng trả nợ lãi hàng tháng và muốn thanh toán hợp đồng cũng không được mới biết mình đã bị lừa, song cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ngoài ra, cũng phải nói rằng, đa số các mặt hàng bán trả góp đều là những hàng tồn kho đã lâu; các đơn vị kinh doanh muốn nhanh chóng giải phóng để nhập hàng mới, tránh việc hàng hoá tự mất giá theo thời gian. Mặt khác, các công ty tài chính, ngân hàng liên kết với doanh nghiệp cho người tiêu dùng vay tiền để mua hàng dưới hình thức trả góp bởi vì họ cũng muốn phát triển thêm khách hàng, đẩy dòng tiền lưu thông. Vậy là cả doanh nghiệp và đơn vị tài chính, đôi bên cùng có lợi, chỉ có người tiêu dùng nếu không tỉnh táo, tìm hiểu kỹ càng trước khi mua sản phẩm trả góp thì sẽ phải chịu thiệt.
Mua, bán hàng trả góp là một trong những phương thức kinh doanh linh hoạt, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa, góp phần chia sẻ áp lực tài chính với người tiêu dùng. Tuy nhiên, người mua hàng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ càng các điều khoản của hợp đồng và món hàng muốn mua, cân nhắc về khả năng trả nợ để tránh phải tự “mua dây buộc mình”.
Thiên Hương