Tăng cường đấu tranh chống tội phạm khu vực biên giới

08/10/2018 07:17

Trong những năm qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm vùng biên giới luôn được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đặc biệt quan tâm. Bởi trên thực tế, các đối tượng thường lợi dụng vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh, địa hình rừng núi phức tạp... thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Chỉ tính riêng năm 2017, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trực tiếp phối hợp điều tra và xử lý 163 vụ/218 đối tượng và 3 tổ chức có các hành vi vi phạm như khai thác lâm sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại; gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực biên giới…

Và từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công 3 chuyên án, 2 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ và xử lý 5 vụ/9 đối tượng với nhiều tang vật gồm: 40 bánh herôin, 10.367 viên ma túy tổng hợp, 0,2kg ma túy tổng hợp dạng đá, 18,3 gam herôin, 1 ô tô, 4 xe máy và nhiều tang vật khác.

Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển ma túy trái phép từ lào về Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y vào ngày 24/8/2018

 

Đại úy Trần Trung Hoàng - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cho biết: Nằm ở khu vực biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào -Campuchia, với địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường ngang lối tắt nên thời gian qua, trên địa bàn tiềm ẩn nhiều đối tượng tội phạm hoạt động, nhất là tội phạm hình sự buôn bán, vận chuyển ma túy. Bằng chứng là từ đầu năm 2018 đến nay, Đồn đã phối hợp với các lực lượng bắt quả tang nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó riêng về tội phạm ma túy đã bắt giữ và xử lý 1 vụ gồm 2 đối tượng với tang vật gồm 1kg ma túy và 400 viên ma túy tổng hợp.

Theo Đại úy Trần Trung Hoàng, các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy cực kì nguy hiểm. Chúng triệt để lợi dụng nhiều phương thức mới trong liên lạc như: điện thoại, zalo, faebook và những ám hiệu tinh vi để móc nối, buôn bán và vận chuyển ma túy qua nhiều hình thức khác nhau. Các đối tượng này sẵn sàng bất chấp làm mọi việc; từ mua chuộc, chống trả, thậm chí kể cả giết người để có thể đạt được mục đích. Một số trường hợp, các đối tượng còn gọi điện đe dọa, trả thù người thân của các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ.

“Trong giao dịch, các đối tượng có thể móc nối với các đối tượng ngoại biên, nhằm thiết lập đường dây vận chuyển ma túy với quy mô lớn. Quá trình giao dịch có thể diễn ra trong hoặc ngoài nước với 2 hình thức hoặc là trực tiếp hoặc qua trung gian - hay còn được gọi là thông qua “con mồi”. Khi đường dây vận chuyển ma túy được hình thành, để tránh bị phát hiện, chúng sẽ di chuyển theo từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm thường chỉ có 1 người “đi hàng” với khoảng 3, 4 người bảo vệ. Một số trường hợp, chúng còn cử người theo dõi ngược lại lực lượng chức năng, để kịp thời lẩn trốn. Các đối tượng hầu hết đều trang bị vũ khí và rất manh động, sẵn sàng chống đối để thoát thân khi bị phát hiện. Vậy nên, khi có dấu hiệu khả nghi, lực lượng chức năng phải sử dụng rất nhiều nghiệp vụ để theo dõi, đấu tranh triệt phá” - Đại úy Trần Trung Hoàng thông tin thêm.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy hoạt động tại vùng biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng cùng phối hợp với các lực lượng, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân trên địa bàn nâng cao cảnh giác trước hành vi phạm tội của các loại tội phạm; vận động người dân không vì lợi nhuận mà nghe theo sự mua chuộc, lôi kéo để tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với công tác tuyên truyền, các lực lượng còn tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, cụ thể là lấy biện pháp trinh sát làm mũi nhọn, kết hợp với công tác tuần tra vũ trang, kiểm soát hành chính; phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Lào, Campuchia để cùng triển khai các hoạt động nghiệp vụ ở ngoại biên, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bài, ảnh: Tất Thành

Chuyên mục khác