Tán loạn vì vỡ “tín dụng đen”

28/06/2017 08:05

Chuyện xảy ra ở xã Diên Bình (huyện Đăk Tô). Nhiều hộ dân rơi vào thảm cảnh chỉ vì ham lãi suất cao mà dốc hết vốn liếng cho vay; có người đối mặt nguy cơ mất đất, mất nhà vì bị lừa vay nặng lãi..

Ham lãi suất cao, “khổ chủ” rơi vào thảm cảnh

Lần theo nguồn tin, chúng tôi về nơi nhiều người dân tố cáo bà Nguyễn Thị Lệ Huyền (sinh năm 1975) và chồng là ông Phạm Công Liên (sinh năm 1971) ở thôn 5, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, cho vay nặng lãi, đe dọa bằng luật giang hồ…

Vào đúng nhà theo đơn thư tố cáo, tôi gặp nhiều người nhao nhao. Bà Huỳnh Thị Năm (sinh năm 1948), trú tại thôn 5 - gia đình thương binh (tự nhận mình là bà nội thím của Nguyễn Thị Lệ Huyền) - kể: Nghe theo lời dỗ ngon ngọt trả lãi 3%/tháng, năm 2016, tôi cho Huyền vay mượn 40 triệu đồng từ tiền tiết kiệm và 130 triệu đồng (tiền vay ngân hàng thông qua thế chấp quyền sử dụng nhà đất) để lấy tiền lãi dưỡng già.

“Những tháng đầu Huyền trả lãi đầy đủ. Nhận tiền lãi 10 triệu đồng, đến tháng 12/2016 thì Huyền bỏ trốn khỏi địa phương. Từ ngày Huyền bỏ trốn, tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền trả lãi cho ngân hàng” - bà Năm nói trong nước mắt và mong các cơ quan sớm vào cuộc xử lý vụ việc, giúp bà lấy lại tiền.

Tương tự, là chỗ hàng xóm với nhau, nghe theo lời ngon ngọt của Huyền, tháng 11/2015, ông Huỳnh Bá Hiệp (sinh năm 1954), trú tại thôn 5 cũng đưa cho bà Huyền mượn 200 triệu đồng bao nhiêu năm chắt bóp được để kiếm đồng lãi dưỡng già. Những tháng đầu, Huyền trả lãi tiền mượn 3%/tháng cho ông rất sòng phẳng. Quá tin tưởng, khi Huyền đặt vấn đề đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp, tháng 8/2016 ông Hiệp vay ngân hàng 100 triệu đồng cho Huyền mượn thêm.

“Lần sau cùng, tháng 12/2016 Huyền vay thêm của tôi 20 triệu đồng từ tiền vốn sạp hàng buôn bán thức ăn hàng ngày của gia đình. Tổng số tiền Huyền vay của gia đình tôi đến thời điểm bỏ chạy là 320 triệu đồng” - ông Hiệp rầu rĩ cho biết.

Vốn bị bệnh xơ gan, từ ngày Huyền bỏ trốn khỏi địa phương, bệnh tình của ông Hiệp còn nặng hơn. Khi tâm sự với tôi, giọng ông nói nghe khàn khàn và rất yếu ớt. “Mong các cơ quan pháp luật sớm làm rõ, giúp tôi thu tiền lại trả vốn vay ngân hàng và chữa bệnh” - ông Hiệp trải lòng.

Hoàn cảnh thương tâm không kém là bà Đoàn Thị Kim Phụng (thôn 8) bị thoái hóa khớp chân cũng bị Huyền dụ dỗ cầm cố 2 bìa đỏ từ mảnh đất trồng cao su vay ngân hàng 200 triệu đồng và cả tiền tiết kiệm 50 triệu đồng cho bà vay mượn. Giấy vay mượn tiền ngày 22/1/2015, ông Liên ký nhận đủ số tiền trên, nhưng khi bà Huyền bỏ trốn, bà Phụng nhiều lần đến nhà đòi tiền thì ông Liên đổ lỗi không biết, không có nghĩa vụ trả nợ. Bà Huyền ôm tiền bỏ chạy, bà Phụng có nguy cơ mất vườn cao su vì không có tiền để trả nợ vay ngân hàng.

“Thành công” nhất trong chiêu bài lừa bạn rót tiền cho mình của Huyền là đối với bà Mai Thị Hòa (thôn 5). Bà Hòa kể rằng, gia đình mình và gia đình Huyền có mối quan hệ thân thiết với nhau. Tháng 11/2013 đến tháng 10/2014, Huyền vay của Hòa 250 triệu đồng với lãi suất thỏa thuận 3%/tháng. Trong khoảng thời gian này, Hòa trả lãi theo đúng thỏa thuận.

Biết bà Hòa chuẩn bị làm nhà còn tiền, Huyền tiếp tục câu mồi: Có mối làm ăn lớn, chị cần tiền gấp. Có thì em cho chị vay tiếp. Cứ yên tâm đi, chị trả cho. Khi cần em lên chị lấy. Nghĩ rằng số tiền tiết kiệm để xây dựng nhà cửa chưa dùng, nên ngày 10/4/2016, bà Hòa lại cho Huyền vay tiếp 140 triệu đồng. Để tạo lòng tin, Huyền còn phô tô nhiều bìa đỏ và sang nhượng đất (giấy viết tay) có chữ ký của ông A Hoàng - Thôn trưởng thôn 5 cho Hòa tin tưởng. Bằng thủ thuật này, Huyền lôi thêm cả mẹ bà Hòa là bà Nguyễn Thị Tùng cho mình vay. Tính đến tháng 12/2016, mẹ con bà Hòa cho bà Huyền vay 1,661 tỷ đồng. Mất tiền không còn để làm nhà, Hòa suy sụp tinh thần và có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Các "khổ chủ" trong vụ tín dụng đen. Ảnh: Đ.N

 

Trong đơn tố cáo tập thể, chúng tôi còn được biết vợ chồng Huyền - Liên còn vay mượn bà Ngô Thị Huệ (thôn 8) 230 triệu đồng, Nguyễn Thị Kim Đồng (thôn 8) 170 triệu đồng, Lưu Thị Kiều Nga (thôn 4) 300 triệu đồng và Huỳnh Thị Bích Kim 50 triệu đồng.

Qua tâm sự, các “khổ chủ” bị bà Huyền lừa mong các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra để làm rõ vụ việc, xử lý vợ chồng Huyền - Liên theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bị hại nhằm lập lại an ninh trật tự ở địa phương.  

Nguy cơ mất đất, mất nhà vì vay nặng lãi

Người bị đẩy đến bước đường cùng, có lúc từng nghĩ đến cái chết, nay mạnh mẽ đứng lên tố cáo vợ chồng Nguyễn Thị Lệ Huyền - Phạm Công Liên là bà Lê Thị Đức Hạnh (sinh năm 1978) trú tại thôn 5, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô).

Trao đổi với tôi, bà Lê Thị Đức Hạnh vẫn chưa hết nỗi thất thần. Bà Hạnh kể: tháng 12/2013, bà may quần áo tại nhà bà Huyền với tổng số tiền là 6 triệu đồng. Vì chưa có tiền, bà Hạnh xin khất nợ ra Tết trả. Lợi dụng lúc bà Hạnh khó khăn, bà Huyền cho Hạnh mượn thêm 4 triệu đồng nữa để lo Tết. Tổng số tiền bà Hạnh nợ bà Huyền 10 triệu đồng. Tiền vay 10 triệu đồng của bà Hạnh được bà Huyền tính tiền lãi 1,5 triệu đồng/tháng (tương ứng 15%/tháng). Nếu hàng tháng không trả, bà Huyền sẽ cộng dồn lãi vào tiền gốc. Cách tính lãi trên được bà Hạnh nhất trí.

Trong 3 tháng đầu năm 2014, cứ đến ngày là bà Huyền đến nhà bà Hạnh thu tiền lãi. Tuy nhiên, đến tháng thứ 4, bà Huyền gọi bà Hạnh lại nhà và bảo: Từ nay, chị không tính lãi với số tiền nợ của em nữa đâu. Khi nào kẹt thì cứ lại chị. Đợt này, mẹ chị mới gửi vàng cho chị nhiều lắm(!) Vốn tin người, bà Hạnh lại mượn của Huyền thêm 5 triệu đồng mà mảy may không suy nghĩ gì. Đến tháng 7/2014, bà Hạnh lại mượn tiếp của bà Huyền 1 lượng vàng 9999 được tính với giá 35 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, bà Hạnh nợ bà Huyền với tổng số tiền là 50 triệu đồng.

Thời gian sau đó, bà Hạnh và Huyền vẫn đi lại với nhau thân tình. Để tạo sự tin tưởng và cảm mến, bà Huyền còn thỉnh thoảng cho bà Hạnh quần áo mới khiến bà Hạnh rất quý mến bà Huyền. Bỗng đến ngày 28/5/2015, bà Huyền điện cho bà Hạnh đến nhà để nói chuyện và ép bà Hạnh viết giấy vay nợ tính cả tiền gốc và lãi lên 817 triệu đồng. Bà Huyền đe dọa, nếu không viết giấy với nội dung như thế thì sẽ thuê mấy thằng nghiện đến nhà để “nói chuyện” với chồng và con bà Hạnh. Bị ép và lo sợ cho tính mạng của chồng và con, bà Hạnh cầm bút viết giấy nợ tiền gốc là 50 triệu đồng và số tiền lãi lên 817 triệu đồng. Bà Huyền không đồng ý, bắt ép bà Hạnh viết lại giấy với tổng số tiền nợ bà Huyền 817 triệu đồng.

Lo sợ, từ ngày đó đến tháng 7/2016, bà Hạnh dồn hết số tiền thu từ bán mủ cao su, hạt cà phê trả lãi cho bà Huyền 196 triệu đồng. Đến tháng 8/2016, bà Huyền lại gọi điện bà Hạnh đến nhà. Bà Huyền nói Hạnh, số tiền bà Hạnh trả không ăn thua gì so với cách tính lãi của bà hàng tháng. “Bà Huyền dùng dao, rựa kề vào cổ tôi đe dọa sẽ thuê giang hồ đến nhà xiếc nợ và ép đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi vay ngân hàng về trả lãi cho mình”-Hạnh kể. 

Cũng theo lời Hạnh, chiều hôm đó, bà Huyền đến nhà Hạnh. Đi vào phòng ngủ bà Hạnh, bà Huyền nói: Không trả tiền gấp trong vài ngày tới thì tao thuê thằng Vòi, thằng Đại đến nhà lấy nợ. Cuộc đời tao không có cái gì là không làm được. Không có giấy nợ tao cũng đòi được tiền, được rẫy, được nhà đó thôi. Chúng nó đòi chi cho 50 triệu đồng. Do vậy, chạy tiền nhanh cho tao đi.

Vừa hăm dọa, bà Huyền kéo cánh tủ quần áo của bà Hạnh ra để xem có tiền không. Khi thấy 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Hạnh, bà Huyền đã lấy đi.

Lẽ ra khi bị tước đoạt các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này, bà Hạnh làm ngay đơn tố cáo hành vi của bà Huyền với chính quyền và cơ quan công an để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, lúc đó do sợ bà Huyền gọi xã hội đen đến nhà quậy phá, bà Hạnh không dám làm điều này. “Trong cơn hoảng loạn, tôi  từng có suy nghĩ muốn tìm đến cái chết. May mắn nhờ chị Trần Thị Hoàng Liên - Tổ trưởng Tổ phụ nữ thôn 5 biết được đã kịp thời động viên, chia sẻ”- Hạnh tâm sự.

Có các giấy tờ cần thiết trong tay, ngày 13/9/2016, bà Huyền làm đơn khởi kiện bà Hạnh ra tòa. Tại phiên xét xử ngày 7/2/2017, thay mặt Hội đồng xét xử sơ thẩm, bà Tờ Thị Thanh Thủy - Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa ban hành bản án số 02/20117/DSST “V/v Tranh cấp đòi tiền nợ” áp dụng Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự và các điều 463, 466, Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự chấp nhận đơn khởi kiện của bà Huyền, buộc bà Lê Thị Đức Hạnh phải trả cho bà Nguyễn Thị Lệ Huyền 817 triệu đồng và tiền lãi suất phát sinh từ khi vay đến khi xét xử là 65,36 triệu đồng.

Không chấp nhận bản án, ngày 20/2/2017, bà Lê Thị Đức Hạnh làm đơn kháng cáo bản án xét xử số 02/2017/DSST ngày 7/2/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô về việc tranh chấp đòi tiền nợ.

Trường hợp thứ hai là bà Lê Thị Nguyệt (sinh năm 1963) và con trai là Phan Trường Vinh (sinh năm 1991), thôn 8, xã Diên Bình. Từ năm 2014 đến cuối năm 2015, mẹ con bà Nguyệt - Vinh vay bà Huyền ba lần, tổng số tiền vay đến cuối năm 2015 là 25 triệu đồng. Lãi cho vay cũng được Hạnh tính từ 15%/tháng. Không có tiền trả nợ, năm 2016, bà Huyền tính tiền vay gốc và lãi của mẹ con bà Nguyệt - Vinh là 80 triệu đồng. 

Bà Huyền ép bà Nguyệt ký vào giấy bán nhà. “Con lấy cái nhà này của cô để trừ khoản nợ cả gốc và lãi” - bà Nguyệt kể bà Huyền nói vậy.

Sợ không trả, bà Huyền sẽ thuê giang hồ “xử lý” con trai mình, bà Nguyệt ký vào giấy viết tay bán nhà để trừ khoản tiền trên. Tháng 12/2016, bà Huyền bỏ trốn khỏi địa phương. Ông Phạm Công Liên (chồng bà Huyền) yêu cầu bà Nguyệt dời chuyển toàn bộ đồ dùng trong nhà để giao nhà cho ông. 

Dính vào đường dây cho vay nặng lãi của vợ chồng bà Huyền - Liên, bà Hạnh, mẹ con bà Nguyệt đang có nguy cơ bị mất đất đai, nhà cửa. Trước các sự việc trên, bà Hạnh cùng nhiều người có liên quan làm đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, ông Phạm Công Liên với các tội: Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi; đe dọa bằng giang hồ, xã hội đen; cướp đoạt tài sản của người lao động nghèo…

“Mong các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bị hại”- bà Hạnh thỉnh cầu.

Tổ phóng viên điều tra

Chuyên mục khác