17/08/2016 08:58
Vừa xử lý, vừa tuyên truyền
Cùng với cả nước, từ ngày 1/8, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông theo Nghị định 46 của Chính phủ.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đi cùng Tổ tuần tra, kiểm soát của Phòng CSGT tỉnh ở địa bàn thành phố Kon Tum và nhận thấy tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông có chiều hướng giảm, trong gần 1 tiếng đồng hồ nhưng chỉ có vài trường hợp vi phạm các lỗi nhẹ như không mang theo giấy tờ, không có chứng nhận bảo hiểm...
|
Đại uý Võ Trí Tài - Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát cho biết: Về cơ bản người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật hơn so với trước. Đối với những người chưa biết về quy định mới tại Nghị định 46, trong quá trình tuần tra, kiểm tra chúng tôi nhắc nhở, tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đúng quy định.
“Những ngày đầu, cùng với việc kiểm tra, chúng tôi kết hợp vừa xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn, vừa tuyên truyền cho người dân hiểu về mức phạt mới theo quy định tại Nghị định 46 để người dân chấp hành tốt hơn”- Đại úy Tài cho biết.
Theo tổ tuần tra, một ngày làm 2 ca chỉ phát hiện khoảng 20 trường hợp vi phạm, giảm khoảng 1/3 so với trước. Đây là tín hiệu mừng về việc chấp hành của người dân.
Còn theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh, trong hai tuần đầu xử phạt theo Nghị định 46, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt khoảng 800 trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Các lỗi vi phạm vẫn chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ quy định, không có chứng nhận đăng ký, không có giấy phép lái xe; thiết bị an toàn kỹ thuật không đảm bảo, chuyển hướng không có tín hiệu báo, đi sai phần đường quy định... Còn các lỗi vi phạm và bị xử phạt nặng như vượt quá tốc độ, quá tải, hay là không chấp hành hiệu lệnh dừng xe... đã giảm mạnh.
Những lỗi khó xử lý
Qua thực tế cùng các tổ tuần tra của CSGT và theo phản ánh của cán bộ, chiến sĩ CSGT, vẫn có một số lỗi khó phạt.
Chẳng hạn như quy định lái xe mô tô sử dụng điện thoại sẽ bị xử phạt, nhưng theo lực lượng CSGT thì xử lý lỗi này khá khó vì khi phát hiện bằng mắt thường rõ ràng lái xe đang sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe, nhưng khi yêu cầu dừng xe kiểm tra thì họ đã tắt điện thoại và không còn bằng chứng, lúc này lái xe thường sẽ phản ứng, cho dù có mấy anh em làm chứng nhưng một số trường hợp vẫn làm khó trong quá trình xử phạt. Vì thế rất khó xử phạt nếu không có hình ảnh để chứng minh.
“Trường hợp xử lý lái xe mô tô sử dụng điện thoại khó một phần vì trong khi tuần tra lưu động không cầm máy bắn tốc độ để lấy hình ảnh chứng minh, nên lái xe thường lấy đó làm cái cớ để dây dưa, không bị xử phạt”- Một chiến sĩ Phòng CSGT tỉnh nói.
Một thực tế khác rất khó xử lý, đó là lỗi vi phạm về môi trường hay lỗi sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định cho phép. Bởi, những trường hợp sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện thường cãi ngang, không hợp tác để đo nồng độ. Điều này chúng tôi đã được chứng kiến, khi lực lượng CSGT dừng một chiếc xe ô tô để đo nồng độ cồn của lái xe nhưng lái xe không hợp tác, đóng cửa, ngồi trong xe mặc dù đã được các chiến sĩ CSGT giải thích, tuyên truyền. Và sau gần một tiếng thuyết phục, lái xe mới hợp tác để đo nồng độ cồn.
Hay như lỗi vi phạm tốc độ sẽ bị xử phạt cao và tước giấy phép lái xe (thời gian tùy theo mức vi phạm) nên lái xe thường báo cho nhau biết (đối với lái xe ô tô) nơi lực lượng CSGT đang kiểm tra tốc độ, vì thế số lượng hành vi vi phạm này trong hai tuần qua rất ít, chỉ phát hiện vài trường hợp. Trong khi đó, lỗi này trước đây bị phát hiện và xử phạt nhiều. Đó là những điều làm cho lực lượng CSGT khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Phúc Nguyên