Sa Thầy: “Cát tặc” hoành hành

04/07/2017 09:42

Ngày 1/7, chúng tôi về xã Sa Bình, huyện Sa Thầy sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra khá công khai nơi đây. Và những gì chúng tôi chứng kiến, tìm hiểu được cho thấy, cát tặc đang hoành hành không chỉ ở Sa Bình...

Nhiều điểm khai thác cát trái phép

Từ ngã ba cách trụ sở UBND xã Sa Bình vài trăm mét, chúng tôi rẽ vào tuyến đường liên xã, qua các thôn Bình Giang, Khúc Na..., dọc đường thỉnh thoảng lại thấy những khu đất được xây tường bao quanh, bên trong có xe tải và những đống cát lớn. Dấu hiệu  rất rõ cho thấy hoạt động khai thác cát trái phép ở đây.

Sau mấy lần dừng xe hỏi thăm bãi khai thác cát, đều nhận được những cái lắc đầu và ánh nhìn cảnh giác, chúng tôi tiếp tục chạy theo trục đường liên xã băng qua thôn Lung Leng. Vừa đến cầu tràn cuối thôn Lung Leng thì bắt gặp ngay một bè được ghép bằng thùng phuy, trên gắn máy bơm hút cát nằm dưới lòng suối, một đầu ống gác hẳn lên mặt đường, dù chủ bè không có mặt, nhưng dấu vết bơm hút cát còn khá mới.

Lân la hỏi chuyện một thành niên đang làm cỏ mì gần đấy, chúng tôi được biết con suối này được bà con gọi là suối Vê, lâu nay, vào mùa mưa hàng năm, đều có người công khai đặt bè gắn máy bơm hút cát, mỗi ngày chừng 5-6 xe, gây hư hại đường, ảnh hưởng đến dòng chảy của suối, nên bà con cũng bức xúc lắm.

Trước đây, cát vẫn được bơm lên bãi bên đường, chờ xe đến lấy, nhưng gần đây hút cát trực tiếp lên xe- anh thanh niên thông tin. Vậy xã có kiểm tra, xử lý không? Tôi ướm hỏi. Anh thanh niên lắc đầu: Mình cũng không biết. Nhưng thỉnh thoảng lại thấy dừng bơm, ông chủ bỏ máy đó đi đâu mất, vài ngày sau mới hoạt động trở lại. Ở phía trên kia cũng có một bãi nữa đấy.

Theo hướng chỉ của anh, chúng tôi đi thêm khoảng 300m nữa thì phát hiện tiếp một bè gắn máy bơm nằm giữa lòng suối. Một người đàn ông đang hì hụi sửa máy bơm, mấy đứa trẻ đang bì bõm bơi lội trong hố tích cát, một đường ống chạy loằng ngoằng dọc bờ suối, kéo lên bãi đất trống thuận tiện cho xe lên xuống lấy cát.

Người đàn ông sửa máy bơm hút cát trên suối Vê

 

Thấy chúng tôi đi xuống, người đàn ông vội vàng dừng tay, ý muốn né tránh, nhanh trí, anh bạn cùng đi hỏi thăm ông chủ để mua cát. Người đàn ông xua tay, cảnh giác: Tôi ở xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà), được người ta thuê đến để sửa máy bơm nên không biết gì đâu. Có gì các anh vào làng hỏi. Nói xong bỏ lên bờ, đi một hơi.

Tiếp tục men theo đường liên xã, chúng tôi băng qua các thôn Kiến Thụy, Đông Hưng của xã Ia Ly chạy về hướng thị trấn Sa Thầy. Đến cầu Đông Hưng bắc qua suối Ia Xiêr thì bất ngờ phát hiện một con đường đất lầy lội từ đường liên xã chạy hút xuống cánh đồng lớn trồng bắp mới đang kỳ thu hoạch. Nhìn con đường bị cày nát, với 2 hàng rãnh sâu, điểm nối với đường lớn vẫn còn những vệt nước giống như từ xe chở cát ướt chảy xuống, chúng tôi nghi ngờ có hoạt động khai thác cát trái phép tại đây nên quyết định bỏ xe, đi bộ xuống.

Đúng như dự đoán, khi băng qua cánh đồng, đến bờ suối, chúng tôi thấy 3 điểm khai thác cát, sỏi trái phép nằm gần nhau, trong đó tại 2 điểm có 2 bè gắn máy bơm hút cát. Phía trên bãi cát, cả một khúc suối dài bị sạt lở nghiêm trọng.

Một điểm khai thác cát trái phép tại thôn Đông Hưng, xã Ia Ly

 

Mặc dù lúc này máy bơm ngừng hoạt động, không phát hiện chủ bè, nhưng những dấu vết tại hiện trường cho thấy việc khai thác đã diễn ra trong thời gian dài với khối lượng không hề nhỏ, cũng bằng hình thức bơm hút trực tiếp lên xe. Có lẽ vì nếu hút cát lên bãi tập kết như trước thì quá lộ liễu, dễ bị người dân phản ánh.

Như vậy, dù chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”- như cách đùa của anh bạn cùng đi- dọc theo tuyến đường liên xã, tôi đã phát hiện được tới 5 điểm khai thác cát trái phép.

Gạ bán “điểm mỏ”...

Rời thôn Kiến Thụy, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào xã Ia Ly. Đến một quán tạp hóa, gặp một thanh niên, rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi giới thiệu là dân xây dựng công trình, đang có nhu cầu mua cát xây dựng và hỏi thăm có biết nơi nào bán cát không. Cậu thanh niên ngập ngừng rồi lắc đầu, nhưng khi nghe chúng tôi cần mua mấy ngàn khối cát thì nhiệt tình hẳn, tự nhận là “dân làm cát chuyên nghiệp”.

Nhà em làm cát trên cầu, nếu các anh muốn mua nhiều như vậy thì phải đặt trước, bây giờ, cát khan hiếm lắm, hút lên không đủ bán đâu, nhưng em đảm bảo cát đẹp. Bây giờ để em dẫn các anh đi- cậu thanh niên sốt sắng.

Có hóa đơn không em? Anh bạn hỏi. Cậu ta trả lời ngay: Không anh ơi. Tôi thầm nghĩ: Đúng rồi, cát lậu thì làm gì có hóa đơn. Chúng tôi lấy cớ cần tìm mua cát gấp để đi, cậu thanh niên còn giữ lại: Anh lấy số điện thoại của em, có gì liên lạc lại nhé. Em tên Đ, số điện thoại là 0972.156.6xx.

Rời xã Ia Ly, chúng tôi quay lại làng Lung Leng, xã Sa Bình. Dừng xe tại quán nước đầu làng, gần điểm khai thác cát trái phép trên suối Vê, chúng tôi tiếp tục hỏi tìm nơi mua cát. Chị chủ quán chỉ người đàn ông đen đúa đang ngồi uống rượu với 3 thanh niên: Đó, ông đó là chủ bè cát ở suối Vê đó. Chúng tôi muốn mua ngay với số lượng lớn, anh có không? Tôi hỏi. Vậy thì không được rồi, nay cát đang hiếm, làm đến đâu bán đến đó- người đàn ông lắc đầu.

Thấy chúng tôi chuẩn bị đi, chồng chị chủ quan kéo lại, thấp giọng: Hay là, các anh mua điểm mỏ cát đi, vợ chồng em bán cho. Tôi giật mình: Ở đây có điểm mỏ à? Không, đây là khu vực cửa suối chảy ra sông- người chồng tên Lâm cho biết.

Ở đây cát nhiều lắm, có thể làm quanh năm, muốn khai thác phải đi qua khu rẫy nhà em, có mấy người đánh tiếng mua nhưng em chưa bán. Nay mấy anh cần gấp thì em để cho. Các anh kéo máy, làm đường vào là được, chỉ khoảng 250m là đến đường lớn thôi.

Trước sự nhiệt tình ấy, chúng tôi vội lấy cớ “chuồn êm”. Anh bạn than thở: Không hiểu chính quyền địa phương có biết hay không, mà để “cát tặc” lộng hành như thế này?

Và tôi nghĩ, dư luận cũng đang đặt câu hỏi như vậy!

Bài và ảnh: HL

Chuyên mục khác