Quy định về chuyển đổi giới tính và những bất cập từ thực tiễn

05/05/2017 14:01

​Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành trên phạm vi cả nước. Bộ luật đã có những điểm sửa đổi và bổ sung mới đáng kể. Trong đó, việc cho phép chuyển đổi giới tính là một quy định được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng những người chuyển giới, người đồng tính nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Bộ luật Dân sự 2005 quy định rằng, cá nhân có quyền xác định lại giới tính chỉ khi người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Theo Nghị định số 88/2008/NĐ-CP thì “khuyết tật bẩm sinh về giới tính” là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra; “giới tính chưa được định hình chính xác” là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính. Tức là Bộ luật Dân sự 2005 không cho phép sự chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình và hoàn thiện về giới tính.

Sau khi Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII sửa đổi và thông qua, quy định về chuyển giới đã được mở rộng hơn. Ngoài những nhóm đối tượng cũ thì bộ luật mới cho phép cá nhân có quyền chuyển đổi giới tính khi giới tính về tâm lý khác với giới tính về sinh lý.

Cụ thể, Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Việc ghi nhận vấn đề này đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, giúp cho họ có thể sống đúng với bản chất con người thật của mình. Đồng thời điều luật cũng đảm bảo tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc ta.

Lần đầu tiên pháp luật Việt Nam công nhận việc chuyển đổi giới tính.  Điều này đồng nghĩa với việc, cần có nhiều hơn những văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước nhằm đưa quy định này dễ dàng đi vào thực tiễn, hạn chế đi những bất cập khi thực hiện.

Chẳng hạn như, theo quy định này, thì chỉ những người đã phẫu thuật chuyển giới mới có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch và quyền nhân thân theo luật. Vô hình trung, quy định này đã tạo ra sự thiếu công bằng với những người không có điều kiện kinh tế để thực hiện phẫu thuật chuyển giới.

 Việc thay đổi hộ tịch cho phù hợp với giới tính sau khi chuyển đổi là một vấn đề cần xem xét. Bởi sửa đổi các giấy tờ tùy thân gắn liền với một người từ khi sinh ra (như học bạ, bằng đại học...) theo giới tính mới không phải là chuyện đơn giản. Quyền nhân thân của công dân cũng theo đó mà bị ảnh hưởng. Ví dụ: Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự sau chuyển giới sẽ thực hiện như thế nào? Có quy định gì về độ tuổi chuyển giới hay không? Đây là những câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ, cần sớm có sự giải đáp từ cơ quan chức năng.

Một hệ lụy khác, đó là việc kết hôn khi có đối tượng là người chuyển giới. Mặc dù Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi năm 2014 không cấm kết hôn giữa những người đồng tính, nhưng cũng không hề cho phép. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Dân sự sửa đổi được Quốc hội thông qua, thì những người đồng tính có thể “lách luật” bằng cách chuyển giới để được kết hôn hợp pháp. Hoặc trong trường hợp người vợ hoặc người chồng đang chung sống chuyển giới thì pháp luật sẽ xử lý ra sao?

Việc chuyển giới ở nước ta chỉ được công nhận khi một người đã trải qua phẫu thuật chuyển giới. Nhận xét về vấn đề này, bà Lương Minh Ngọc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế, và Môi trường (iSEE) cho rằng: Theo một khảo sát năm 2014, cứ 5 người chuyển giới tại Việt Nam thì có 4 người mong muốn phẫu thuật chuyển giới. Trong đó 11% đã phẫu thuật thay đổi ít nhất một bộ phận trên cơ thể, đa phần làm ở nước ngoài. Việc thừa nhận chuyển đổi giới tính không chỉ giúp người chuyển giới từ nay có thể thực hiện phẫu thuật với chi phí hợp lý, an toàn ngay tại Việt Nam, mà còn là một bước tiến quan trọng của pháp luật trong việc thừa nhận sự tồn tại và bình đẳng của người chuyển giới được sống là chính mình.

Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước cần phải xây dựng danh sách những bệnh viện uy tín và phù hợp nhất. Có thể thấy, việc công nhận người chuyển giới đã kéo theo hàng loạt vướng mắc về quyền lợi và nghĩa vụ công dân khá nhạy cảm, cũng như không dễ dàng để xử lý.   

Hiện tại, đã có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới và thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân. Điều này được xem là một bước tiến lớn, chứng tỏ sự tiến bộ của bộ máy lập pháp Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó là những khó khăn nhất định khi thực hiện điều luật mới mẻ này.

Bộ luật Dân sự sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, vì vậy, vấn đề ở đây là cần phát hiện những kẽ hở và vướng mắc để kịp thời khắc phục và tháo gỡ khó khăn. Mục đích là nhanh chóng đưa quy định mới phù hợp vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm quyền con người, quyền nhân thân cho những người chuyển giới.

Thu Trang

Chuyên mục khác