Phá đường dây làm bằng tốt nghiệp THPT giả: Nhiều giáo viên “nhúng chàm”

10/04/2017 14:06

Cơ quan chức năng tỉnh vừa mới bóc gỡ đường dây làm bằng giả; đồng thời phát hiện những người sử dụng bằng giả hầu hết là cán bộ chủ chốt ở cơ sở tại một số địa phương trong tỉnh.

Cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan điều tra (Công an tỉnh) đã gửi thông báo kết quả điều tra đến lãnh đạo các huyện liên quan về thông tin một số cán bộ trên địa bàn mình quản lý sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả và những trường hợp môi giới, làm bằng giả để có các biện pháp xử lý…  

Giáo viên môi giới làm bằng giả

Ông A Mịch - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đăk Tô cho biết, tại địa bàn có 8 cán bộ sử dụng bằng giả và đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng đối với 6 cán bộ là đảng viên ở các xã Đăk Rơ Nga, Tân Cảnh, Ngọc Tụ vì sử dụng bằng THPT giả. Những cán bộ này hầu hết là cán bộ chủ chốt ở các xã nói trên, bao gồm cả bí thư đảng ủy xã, phó chủ tịch HĐND xã, chỉ huy trưởng quân sự xã, chủ tịch hội nông dân, trưởng công an xã.

Theo ông A Mịch, trong 8 cán bộ xã bị phát hiện dùng bằng THPT giả, có 2 cán bộ tự động bỏ việc trước khi đơn vị vào cuộc làm rõ vụ việc.

Cũng theo ông Mịch, việc cán bộ dùng bằng giả này còn liên quan đến 2 lãnh đạo và 1 giáo viên đang công tác ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Đăk Tô với vai trò môi giới, gồm: Nguyễn Trọng Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngọc Tụ; Mai Đình Trường - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS xã Đăk Rơ Nga và Lưu Hữu Thắng - giáo viên Trường THCS xã Tân Cảnh.

Tương tự, tại huyện Tu Mơ Rông, khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Chung và ông Lương Duyên Thanh - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tu Mơ Rông cũng xác nhận, tại địa bàn có 6 cán bộ xã dùng bằng THPT giả bị ngành chức năng phát hiện mà người môi giới là cán bộ giáo viên. Ủy ban Kiểm tra đã làm việc cụ thể từng trường hợp sử dụng bằng giả. Những người sử dụng bằng giả cũng chủ yếu là cán bộ chủ chốt các xã.

Theo thông báo của cơ quan điều tra, tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 6 cán bộ sử dụng bằng giả theo 2 đường dây: Đường dây thứ nhất có 4 cán bộ (trong đó, có 3 người là đảng viên và 1 cán bộ bán chuyên trách) ở xã Đăk Na, Đăk Sao gồm ông A Loang (Bí thư Đảng ủy), ông A Cu (Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Sao), A Nếp (Bí thư Xã đoàn Đăk Na) và A Phang (Phó Chủ tịch mặt trận xã Đăk Na) do người môi giới là ông Đặng Xuân Đạt (giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh). Đường dây thứ 2, có 2 đảng viên gồm ông A Niêm (Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tờ Kan), A Vít (cán bộ tư pháp xã Đăk Tờ Kan) do người đứng ra làm bằng giả là ông Nguyễn Đức Thành Nam - giáo viên Trường phổ thông DTNT tiểu học xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông.

Đến nay, ông Nguyễn Đức Thành Nam đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh khởi tố bị can về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phê chuẩn về những hành vi liên quan đến việc môi giới làm bằng THPT giả.

Trần tình của người trong cuộc

Chúng tôi tìm gặp những người trong cuộc và đã được những người này trải lòng không chút giấu giếm. Trong số họ, có người không hề biết mình đang sử dụng bằng giả và cũng có người đã nhận ra lỗi lầm của mình...

Làm việc với phóng viên, ông A Loang - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) xác nhận là bản thân ông và một vài cán bộ xã này dùng bằng THPT giả mấy năm nay. Tuy nhiên, theo A Loang, ông không biết và không nghĩ bằng tốt nghiệp của mình là bằng giả. Ông cũng cho rằng mình là nạn nhân của vụ việc này.

Ông Loang giãi bày: từ năm 2004 đến năm 2007 (khi ấy đang là Bí thư Đảng ủy xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông), theo học THPT hệ bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2007 thì ông bị tai nạn giao thông nên không dự thi tốt nghiệp năm đó được. Đến năm 2010, ông xuống Trung tâm này để rút học bạ về huyện Tu Mơ Rông để học lại hệ bổ túc THPT thì gặp ông Đặng Xuân Đạt - giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Sau đó, ông Đạt hứa với ông Loang là sẽ giúp ông lấy bằng THPT bổ túc, nhưng phải tốn 28 triệu đồng, trong đó giao 5 triệu đồng trước và sau khi có bằng sẽ giao nốt phần còn lại. Sau vài tháng, ông Đạt gọi điện nói là có bằng THPT nên xuống lấy bằng và giao đủ tiền. Ông A Loang nghĩ, có lẽ do nhà trường xét mình bị tai nạn giao thông nên mới đặc cách cấp bằng, nên rất vui khi nhận bằng từ ông Đạt. Ông Loang cam đoan những gì trao đổi với chúng tôi cũng là khai nhận trước Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh.

"Sự việc vỡ ra, tôi mới biết đó là bằng giả. Nếu biết ông Đạt làm bằng giả, tôi không chịu làm đâu"- ông Loang nói.

Còn theo giải trình của ông A Cu (Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Sao), năm 2007 ông thi tốt nghiệp THPT không đỗ. Tiếp theo các năm 2009 và 2011 cũng thi rớt THPT hệ bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Sau đó, vào năm 2011, ông Đạt (giáo viên của Trung tâm) nói sẽ giúp ông dùng điểm thi năm 2009 để phúc khảo lấy bằng THPT. Tin tưởng ông Đạt là người giúp mình và sẽ được nên ông đồng ý. Mấy tháng sau, ông Đạt gọi ông Cu xuống lấy bằng THPT. Giống như ông Loang, ngỡ đó là bằng thật nên ông Cu khấp khởi mừng mang bằng về địa phương nộp cho cơ quan chức năng, mà không biết đó là bằng THPT giả.

Ông Lê Văn Dương - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tụ (cũng là cán bộ sử dụng bằng THPT giả bị phát hiện) khi tiếp xúc với chúng tôi, ông tỏ ra rất buồn và không muốn nói về chuyện bằng giả của ông nữa, bởi ông đã khai với cơ quan điều tra hết rồi. Tuy nhiên, khi trao đổi, ông Dương nói ông đã mua bằng giả THPT với giá 12 triệu đồng. Cũng theo ông Dương, hiện ông Tâm (người môi giới) đã bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, cách chức Bí thư Chi bộ Trường THCS Ngọc Tụ.

Không muốn nói về chuyện bằng giả, nhưng ông Dương cũng tỏ ra rất ân hận vì chút suy nghĩ sai lầm của mình. Từ chuyện của mình, tại đây ông nói và khuyên nhủ đội ngũ cán bộ ở xã, nhất là cán bộ trẻ rút kinh nghiệm từ ông mà lo học hành, làm việc cho tốt.  

Hiện dư luận đang xôn xao bàn tán nhiều về chuyện này, họ mong cơ quan chức năng sớm có kết luận chính thức, công bố công khai và có các hình thức xử lý thích đáng, nhất là những trường hợp môi giới…

          Văn Phương

Chuyên mục khác