Những bất cập trong tuyển dụng công chức cấp xã ở huyện Sa Thầy

13/10/2014 11:07

Đang làm việc bình thường, tháng 9 mới đây, 20/56 cán bộ hợp đồng cấp xã ở huyện Sa Thầy - hầu hết đều có bằng đào tạo trung cấp trở lên, có 3-10 năm kinh nghiệm công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thuộc diện được cử đi đào tạo theo quy hoạch, đối tượng ưu tiên chính sách, DTTS tại chỗ… bỗng dưng mất việc.

Bất cập trong tuyển dụng

Tháng 11/2013, UBND huyện Sa Thầy ban hành Kế hoạch số 69 về việc tuyển công chức cấp xã nhằm bổ sung đội ngũ công chức cơ sở đủ về số lượng, đúng cơ cấu và đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ địa phương. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng người có trình độ cao, đối tượng chính sách và DTTS. Tổng biên chế xét tuyển 61 người, với các vị trí công tác cấp xã và thị trấn ở 23 chức danh liên quan. Thời gian nhận hồ sơ, tiến hành xét tuyển, thông báo kết quả trúng tuyển… hoàn thành trước 24/12/2013.

A Hoen và A Ngân (từ trái sang phải) - những cán bộ xã Ya Tăng bị mất việc.

Ảnh: M.T 

 

“Quá trình triển khai Kế hoạch 69 trên địa bàn huyện đã thực hiện đúng trình tự, các quy định hiện hành. Duy nhất vướng Quyết định 27/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế tuyển dụng công chức cấp xã, trong đó không đề cập công tác tuyển dụng công chức thị trấn, buộc UBND huyện phải xin ý kiến chỉ đạo cấp trên. Do đó, thời gian tuyển công chức trên địa bàn huyện chuyển sang thực hiện vào tháng 5/2014, với 143 hồ sơ đăng ký. Trong số 61 trường hợp đang hợp đồng dài hạn ở các xã, thị trấn (5 trường hợp hợp đồng ở thị trấn Sa Thầy, 56 trường hợp hợp đồng ở các xã) đăng ký xét tuyển dụng và kết quả 20 hồ sơ không trúng tuyển” - ông Trần Nam Bộ - Trưởng phòng Nội vụ huyện Sa Thầy kiêm Phó chủ tịch Hội đồng tuyển dụng cho biết.

Ngược với thông tin cung cấp của ông Bộ, chính quyền cơ sở phản ánh cơ quan thường trực tham mưu trực tiếp cho Hội đồng tuyển dụng cấp huyện chưa phối hợp tích cực với địa phương rà soát, tổng hợp cụ thể danh sách cán bộ hợp đồng dài hạn (đã được UBND huyện thông báo hợp đồng có phân công nhiệm vụ cụ thể năm 2012 trở về trước và nay) đang được cử đi đào tạo chuyên môn nên chưa tham gia xét tuyển đợt này. Trong khi, hồ sơ đăng ký tuyển dụng có 2 – 3 người/1 chỉ tiêu biên chế ở mỗi chức danh ở xã, nhưng xã không hay biết.

Minh chứng tại UBND xã Sa Bình đã có Báo cáo số 76 ngày 18/11/2013 về nhu cầu tuyển dụng công chức, trong đó nêu rõ: “Địa phương hiện có 3 hợp đồng lao động dài hạn với chức danh địa chính xây dựng, văn hóa xã hội và tư pháp hộ tịch (theo Thông báo số 165 ngày 29/12/2011 do UBND huyện ban hành có tên lao động và chức vụ kèm theo), nhưng chưa được tuyển dụng vào biên chế cấp xã. Hiện tại, địa phương đã cử các cán bộ này tiếp tục theo học các lớp đại học để nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng tốt công tác quy hoạch thời gian đến. Do đó, UBND xã có đề xuất đăng ký xét tuyển dụng công chức năm 2013 với chức danh địa chính xây dựng; riêng chức danh văn hóa - xã hội và tư pháp hộ tịch tạm thời chưa có nhu cầu tuyển dụng mới”.

Thế nhưng gần 10 tháng tạm dừng xét tuyển như ông Bộ đề cập trên, xã Sa Bình và tương tự một số địa phương khác cũng có kiến nghị trên vẫn chưa nhận được văn bản phúc đáp của Phòng Nội vụ huyện. Đến cuối tháng 5/2014, địa phương nhận được các giấy báo mời đích danh cán bộ hợp đồng địa chính về huyện ôn tập và chuẩn bị tham gia đợt tuyển dụng công chức. Đến ngày 8/9/2014, UBND xã Sa Bình “bất ngờ” nhận được 03 quyết định tuyển dụng công chức cấp xã mới do UBND huyện ký với 3 lao động “lạ hoắc” thay thế các cán bộ được huyện điều về trước đây, và cũng không thấy đề cập việc giải quyết chấm dứt hợp đồng như thế nào.

Hệ lụy của sự thiếu phối hợp công tác tuyển dụng trên, toàn huyện có hơn 20 cán bộ hợp đồng ở 8/10 xã (trừ xã Sa Nhơn, Hơ Moong) không trúng tuyển đợt này (theo số liệu ông Bộ cung cấp). Trung bình mỗi xã có 1-2 cán bộ hợp đồng bị loại và buộc bàn giao công việc cho người mới theo kết quả trúng tuyển năm 2014 của UBND huyện; thậm chí có xã như Ya Tăng có 7/8 cán bộ hợp đồng là người DTTS bị thay mới, Sa Bình 3/4 người bị thay thế và Sa Sơn thay mới 2/3 cán bộ.

Hiện tại, những cán bộ hợp đồng “bỗng dưng... mất việc” rất bức xúc; còn chính quyền địa phương thì tự “bơi” giữa núi công việc cần sự tham mưu của cán bộ hợp đồng lâu năm thạo việc...

Lao đao vì mất việc

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều cán bộ hợp đồng lao động trước đây có hộ khẩu tại địa phương, người DTTS, gia đình chính sách, có bằng cấp chuyên môn trung cấp trở lên; thậm chí có trường hợp được huyện, xã cử đi đào tạo đại học theo Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về công tác xã hội, Quyết định 381 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ cử tuyển, quy hoạch có địa chỉ nhưng vẫn bị mất việc làm đột ngột.

Anh A Hoen – nguyên cán bộ phụ trách hộ tịch – tư pháp (xã Ya Tăng) bị thôi việc tháng 9/2014, bức xúc: Năm 2005, tôi về công tác tại Ya Tăng với chức danh Phó Bí thư Đoàn TNCSHCM xã. Đến ngày 12/6/2007, Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ya Tăng đã tiến hành bỏ phiếu, thống nhất đưa tôi vào diện quy hoạch nguồn cán bộ kế cận (dự kiến chức danh phó chủ tịch UBND xã (hoặc Phó chủ tịch HĐND xã). Năm 2007, tôi được cử đi học lớp đại học chuyên ngành kinh tế phát triển hệ cử tuyển ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum theo Quyết định 381 của Tỉnh ủy và Quyết định 886 của UBND tỉnh về đào tạo cán bộ quy hoạch cấp xã, được hỗ trợ tiền ăn ở, học phí hàng năm. Kết thúc khóa đào tạo năm 2012, tôi tiếp tục về công tác tại xã, được hợp đồng ở nhiều chức vụ khác nhau, nhưng nhiệm vụ chính là cán bộ hộ tịch – tư pháp; tháng 8/2013, đăng ký xét tuyển biên chế với chức danh cán bộ hộ tịch – tư pháp ở xã Ya Tăng. Theo quy định của Hội đồng tuyển dụng công chức huyện, trường hợp của học cử tuyển như tôi được miễn các khâu sát hạch và mặc nhiên được tuyển dụng. Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua kết quả xét tuyển công chức lại không có tên tôi. Điều này đồng nghĩa với việc tôi bị mất việc.

Theo anh A Hoen, trước kết quả đã rồi, anh có về Phòng Nội vụ để yêu cầu làm rõ lý do rớt tuyển dụng, thì cán bộ tại đây cho biết, bằng cấp đại học kinh tế phát triển của anh đã “lệch” so với nhiệm vụ chuyên môn cần là công tác hộ tịch – tư pháp. Thế nhưng, thực tế có đến 8 trường học cử tuyển như anh đã trúng tuyển vào chức vụ cán bộ hộ tịch – tư pháp ở các xã Hơ Moong, Sa Sơn, Rờ Kơi, Ya Xiêr… năm 2014.

Thương cảm hơn cả là trường hợp của anh A Ngôn - cán bộ có 12 năm  hợp đồng chuyên trách công tác văn hóa – xã hội tại xã Ya Tăng cũng bị mất việc làm, mất luôn thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng; trong khi gia đình anh thuộc diện chính sách có ông ngoại là liệt sĩ, bố là bệnh binh và có 1/3 con nhỏ bị nhiễm chất độc da cam.

Theo anh A Ngôn, người mới về thay chức vụ công tác của anh hiện nay đã được tuyển dụng, vì có tổng điểm xét tuyển cao hơn anh, trong khi biên chế chức danh văn hóa – xã hội tại xã chỉ có 1 chỉ tiêu. Trong khi đó, ông Rơ Chăm Klát - Chủ tịch UBND xã nhận xét: Quá trình công tác từ năm 2002 đến nay, A Ngôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài ra còn phối hợp với cán bộ như lao động – xã hội, DS-KHHGĐ, tư pháp hộ tịch… làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tốt chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Hay như trường hợp của anh Ngô Văn Thọ - cán bộ công tác xã hội xã Sa Sơn có 3 năm kinh nghiệm mảng văn hóa - xã hội và có điểm xét tuyển dụng cao nhất trong 13 ứng cử viên thuộc lĩnh vực này, nhưng lại bị trượt tuyển dụng. Nguyên nhân là biên chế được giao chức danh này ở Sa Sơn có 1, nhưng cùng lúc có thêm 1 hồ sơ ưu tiên cử tuyển. Không còn việc làm, Thọ đã vào tận xã Mô Rai để làm rẫy với cha mẹ, với mong muốn tích cóp tài chính chuẩn bị cho người vợ sắp ở cữ vào tháng 10 này.

 

Cần có biện pháp tháo gỡ

Ông Rơ Chăm Klát – Chủ tịch xã Ya Tăng cho rằng: Quá trình tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã năm nay còn nhiều bất cập, thông báo kết quả và ban hành các quyết định phân công nhiệm vụ các lao động mới trúng tuyển đã thay thế 7/8 cán bộ hợp đồng tại xã. Vậy nhưng, UBND huyện không có ý kiến thanh lý hợp đồng và giải quyết chế độ liên quan cho các chức danh công tác trước đây. Nhiều lao động cũ vẫn đến trụ sở đề nghị UBND xã làm rõ vì “tự nhiên mất việc” và yêu cầu được giải quyết thiệt thòi cống hiến bao năm qua cho địa phương. Mặt khác, họ chưa chịu hợp tác bàn giao công việc đang đảm nhiệm, làm ảnh hưởng đến hoạt động của xã.

“Với cương vị lãnh đạo chính quyền địa phương, tôi chưa đồng tình cách tổ chức xét tuyển công chức năm 2014, đề nghị UBND huyện có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với những trường hợp cán bộ hợp đồng đã công tác lâu năm, có kinh nghiệm, nhân thân tốt đang mất việc làm ở xã” - ông Klát cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với ông Bộ, chúng tôi được biết hiện tại biên chế năm 2014 đã giải quyết hết. Vậy đến bao giờ, những người như anh A Hoen, A Ngôn… sẽ được xem xét, bố trí công việc mới để sớm ổn định cuộc sống; mặt khác, xóa bỏ được dư luận không tốt đối với những trường hợp người lao động đã vào làm việc ở cơ quan nhà nước dù có bằng cấp, kinh nghiệm và thuộc diện đào tạo có địa chỉ, hay đối tượng chính sách, DTTS tại chỗ nhưng vẫn bị mất việc đang diễn ra tại đây?

Mai Trâm

Chuyên mục khác