02/08/2017 07:01
Đâu là nguyên nhân
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh có 61 vụ án do người chưa thành niên gây ra với 91 đối tượng vi phạm pháp luật. Trong đó giết người 1 vụ - 1 đối tượng; hiếp dâm, cưỡng dâm 4 vụ - 4 đối tượng; cố ý gây thương tích 14 vụ - 32 đối tượng; trộm cắp tài sản 29 vụ - 35 đối tượng; gây rối trật tự công cộng 1 vụ - 1 đối tượng; cướp giật tài sản 1 vụ - 1 đối tượng và những vi phạm khác với 11 vụ - 17 đối tượng. Cơ quan Công an các cấp đã truy cứu trách nhiệm hình sự 40 vụ - 53 đối tượng, xử lý hành chính 20 vụ - 37 đối tượng và giao cho gia đình giáo dục 1 đối tượng (1 vụ).
Điều đó cho thấy, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có tính chất nghiêm trọng, tập trung vào hai loại tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích. Đây là vấn đề nhức nhối và cũng là hồi chuông cảnh báo tới toàn xã hội về tội phạm là đối tượng chưa thành niên trong giai đoạn hiện nay.
|
Theo đánh giá của Công an tỉnh, xét về nguyên nhân chủ quan không thể không nói đến trách nhiệm của cấp ủy đảng, lãnh đạo ở một số đơn vị, địa phương trong việc phòng ngừa tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật chưa cao, vẫn còn tư tưởng coi công tác này là nhiệm vụ của lực lượng công an; do đó, không chỉ đạo triển khai thực hiện một cách triệt để, thường xuyên công tác giáo dục, phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội với các cơ quan bảo vệ pháp luật thiếu chặt chẽ, thường xuyên; một số trường hợp còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả không cao, chưa phát huy tác dụng tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tội phạm.
Công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm do người chưa thành niên gây ra của các lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Một số trường hợp xử lý chưa nghiêm khắc, chưa phát huy tốt tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Về nguyên nhân khách quan, người chưa thành niên vốn dĩ thuộc lứa tuổi chưa nhận thức đầy đủ các vấn đề xã hội; đang giai đoạn hình thành nhân cách, suy nghĩ chưa chín chắn, vì vậy dễ bị tác động, chi phối bởi những trào lưu mới xã hội, kể cả cái xấu. Thêm vào đó, tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, muốn thể hiện mình, muốn được tự do, không muốn bị ràng buộc bởi gia đình hay của xã hội ở lứa tuổi này dễ tác động đến hành vi ứng xử, lối sống thực dụng, đua đòi… dẫn đến phạm tội, nếu không được quản lý, giáo dục kịp thời.
Môi trường xã hội với sự du nhập của nhiều sản phẩm văn hóa độc hại, các trò chơi trực tuyến mang tính kích động, bạo lực, lối sống thực dụng, ích kỷ… đã thường xuyên tác động không nhỏ đến tâm lý của người chưa thành niên. Đây chính là nguyên nhân căn bản góp phần gia tăng tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tội phạm.
Mặt khác, các quy định pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tội phạm còn nhiều bất cập, thậm chí còn được coi là “khe hở” của pháp luật đối với loại tội phạm của lứa tuổi này. Đơn cử như khung hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên và khung hình phạt trong một số tội danh như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe với loại tội phạm này và với lứa tuổi này.
Giải pháp kiềm chế
Giải pháp tối ưu để kiềm chế gia tăng tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian tới chính là cơ quan công an tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại địa phương. Đồng thời, coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng phải được triển khai thường xuyên và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của hệ thống chính trị ở cơ sở; phải có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và tổ chức xã hội.
Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên ở cơ sở, nhất là số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, lang thang, cơ nhỡ…; kịp thời quản lý, cảm hóa, giáo dục người chưa thành niên có biểu hiện hư hỏng, số thuộc diện tù tha hoặc được đặc xá, tạo điều kiện tốt nhất để họ xóa bỏ mặc cảm, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Một giải pháp không thể thiếu chính là cần phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa số người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã từng vi phạm pháp luật hoặc có khả năng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Từ đó tạo ra dư luận rộng khắp, lên án các hành vi thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm của người chưa thành niên. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”; thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… để góp phần đấu tranh phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên nói riêng.
Lực lượng công an phải thường xuyên nắm tình hình, quản lý đối tượng người chưa thành niên hư hỏng, đặc biệt chú ý số đối tượng đã từng có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó chủ động các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả; đẩy mạnh việc lập hồ sơ đối tượng vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để tham mưu trình xét duyệt đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng hay đưa ra kiểm điểm, giáo dục tại cộng đồng, khu dân cư…
Ngoài những giải pháp phòng ngừa, lực lượng công an cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng do người chưa thành niên phạm tội gây ra để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung…
Để việc đấu tranh phòng chống tội phạm người chưa thành niên có hiệu quả, trước hết phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh hành vi phạm tội. Từ đó có những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm người chưa thành niên, như vậy mới nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm do người chưa thành niên phạm tội nói riêng trên địa bàn tỉnh…
Bài ảnh: Dương Đức Nhuận