Người chưa thành niên vi phạm pháp luật gia tăng

30/07/2018 13:00

Những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng và có những diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án do người chưa thành niên gây ra, trở thành nỗi đau của gia đình và toàn xã hội…

Mới đây, Cơ quan điều tra Công an tỉnh hoàn thành hồ sơ, chuyển kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố trước pháp luật đối với A Thấc - sinh năm 2001, cư trú tại thôn Xa Úa, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei về hành vi hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, vào khoảng thời gian từ đầu tháng 5/2018 đến ngày 18/5/2018, A Thấc đã 4 lần thực hiện hành vi hiếp dâm với 3 trẻ em sinh vào các năm 2007, 2010 và 2012 cư trú cùng thôn với A Thấc. Sau khi sự việc bị phát hiện, A Thấc đã bị cơ quan công an bắt giữ và đang chờ ngày phán xét của pháp luật đối với hành vi nguy hiểm của mình gây ra…

Công an tỉnh thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền đến từng gia đình, vận động gia đình nuôi dạy con cháu không vi phạm pháp luật

 

Đây chỉ là một trong những vụ án đau lòng do người chưa thành niên gây ra, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình nạn nhân và đối với toàn xã hội.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2017 đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh có 66 vụ án do người chưa thành niên gây ra với 90 đối tượng vi phạm pháp luật (tăng 5 vụ so với cùng kỳ). Các hành vi nổi lên là trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…

Trong các vụ việc trên, cơ quan Công an đã truy cứu trách nhiệm hình sự 46 vụ - 54 đối tượng; xử lý hành chính 13 vụ - 13 đối tượng, bàn giao cho gia đình 22 đối tượng và đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng 1 đối tượng.

Theo phân tích của Công an tỉnh, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật tăng cả về số vụ cũng như mức độ vi phạm, sự táo bạo, liều lĩnh; tuổi đời đối tượng vi phạm ngày càng có xu hướng trẻ hơn. Sở dĩ tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật gia tăng là do sự nhạy cảm của lứa tuổi cộng với môi trường xã hội hiện đang lan tràn nhiều sản phẩm văn hóa độc hại, các trò chơi trực tuyến mang tính kích động, bạo lực, lối sống thực dụng, ích kỷ… tác động không nhỏ đến đến tâm lý của các đối tượng này. Đây chính là nguyên nhân căn bản góp phần gia tăng tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tội phạm.

Bên cạnh đó, trách nhiệm giáo dục của gia đình cùng với sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội với các cơ quan bảo vệ pháp luật thiếu chặt chẽ, thường xuyên. Công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm do người chưa thành niên gây ra của các lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Một số trường hợp xử lý chưa nghiêm khắc, chưa phát huy tốt tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung…

Nhằm kiềm chế gia tăng tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, cơ quan Công an đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên ở cơ sở, nhất là số có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, lang thang, cơ nhỡ… để kịp thời quản lý, cảm hóa, giáo dục.

Một giải pháp không thể thiếu chính là cần phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa số người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã từng vi phạm pháp luật hoặc có khả năng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư…

Lực lượng Công an cần thường xuyên nắm tình hình, quản lý đối tượng người chưa thành niên hư hỏng, đặc biệt chú ý số đối tượng đã từng có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó chủ động các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả.

Ngoài những giải pháp phòng ngừa, lực lượng Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng do người chưa thành niên phạm tội gây ra để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung…

Đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thành niên có hiệu quả hay không chính là tìm ra được những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh hành vi phạm tội. Từ đó, các cơ quan chức năng có những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm do người chưa thành niên phạm tội nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác