Ngang nhiên xâm lấn đất rừng

10/07/2021 06:13

Hơn 17ha rừng và đất rừng tại Tiểu khu 726 thuộc thôn 3, xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) đã bị người dân xâm lấn. Cây rừng bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc, các loại cây trồng khác đang dần được thay thế. Để rừng bị xâm lấn, nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý của chủ rừng, chính quyền và đơn vị chức năng ở đâu?

Mới đây, tại buổi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang với Đảng bộ và chính quyền xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai), xã Ia Đal báo cáo thời gian qua, trên địa bàn phát hiện  5 vụ xâm lấn đất rừng. Trong đó, đáng chú ý, vụ lớn nhất là hơn 17 ha rừng và đất rừng bị người dân xâm lấn. Toàn bộ diện tích đất rừng bị xâm lấn đều nằm tại thôn 3 xã Ia Đal, ngay sát điểm dân cư số 7. Theo lời giải thích của ông Phùng Ngọc Chiến - Bí thư Đảng ủy xã Ia Đal thì diện tích rừng bị xâm lấn  chủ yếu thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy và diện tích này được giao cho Công ty để trồng cao su.

Tại thực tế khu vực này cho thấy, nhiều cây rừng bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc, một số cành, gốc cây bị đốt cháy còn ngổn ngang. Khu vực diện tích cây rừng bị chặt hạ đang được thay thế bởi các loại cây trồng khác, chủ yếu là cây mì, điều. Quan sát thực tế, nhiều cây điều đã lên cao cho thấy tình trạng này đã diễn ra từ lâu thế nhưng đơn vị chức năng, đơn vị quản lý không hay biết?

Diện tích rừng bị xâm lấn tại xã Ia Đal. Ảnh: V.P

 

Càng ngạc nhiên hơn là diện tích rừng và đất rừng bị xâm lấn mới chỉ được phát hiện thời gian gần đây. Trong khi đó, diện tích đất rừng bị lấn chiếm nằm cạnh điểm dân cư số 7, ngay dọc trên tuyến đường bê tông cách trụ sở UBND xã Ia Đal chỉ vài ki lô mét. Thậm chí, diện tích đất rừng bị xâm lấn này còn nằm ngay trước mặt Đồn Biên phòng Ia Đal. Đây là điều khiến dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý?

Đối với hơn 17 ha rừng người dân xâm lấn tại thôn 3 xã Ia Đal, ngay tại buổi làm việc với chính quyền xã Ia Đal, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và huyện Ia H’Drai làm việc với Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy rà soát lại toàn bộ diện tích được giao, nhất là những diện tích bị người dân xâm lấn làm rẫy để thu hồi, giao về Nhà nước quản lý, đồng thời, tiến hành khoanh nuôi, tái sinh rừng.

Cũng ngay tại buổi làm việc này, ông Phạm Xuân Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước, và sẽ phối hợp với chính quyền huyện, đơn vị chức năng tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Ia H’Drai. Nhất là đối với 17 ha rừng, đất rừng của Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy, Sở sẽ có biện pháp tham mưu, thu hồi, giao cho chính quyền địa phương quản lý và triển khai các phương án tái sinh…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, nắm và thường xuyên báo cáo về việc xử lý tình trạng xâm lấn đất rừng làm rẫy tại khu vực thôn 3, xã Ia Đal.

Khu đất rừng bị xâm lấn. Ảnh: VP

 

Để làm rõ về việc quản lý diện tích rừng bị xâm lấn, phóng viên Báo Kon Tum đã liên hệ, đăng ký làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy nhưng đều được văn phòng Công ty thông tin lãnh đạo Công ty đi vắng. 

Qua tìm hiểu thông tin được biết, đến nay, các đơn vị chức năng, cùng chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra phát hiện có hơn chục hộ dân của xã Ia Đal xâm lấn đất rừng. Chính quyền huyện Ia H’Drai cũng đã chỉ đạo xã Ia Đal yêu cầu người dân chặt bỏ toàn bộ cây trồng trên diện tích đất xâm lấn và thành lập tổ tuần tra, kiểm soát 24/24h không để người dân tiếp tục trồng cây. Đồng thời, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện chuẩn bị cây rừng, phương án để khoanh nuôi tái sinh lại rừng.

Thiết nghĩ, từ sự việc trên, ngành chức năng cần tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ diện tích rừng đã giao cho các công ty, lâm trường quản lý. Những trường hợp quản lý lỏng lẻo, bỏ trống cần tiến hành thu hồi để giao cho chính quyền, cộng đồng và người dân quản lý để trồng, phát triển sinh kế dưới tán rừng góp phần  nâng cao thu nhập cho dân. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ rừng, đơn vị quản lý để xảy ra mất rừng, xâm lấn đất rừng…nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn.  

Văn Phương

Chuyên mục khác