Ngăn chặn khai thác cát trái phép - Cần tiếng nói chung

21/05/2017 18:19

​Gần 1 tháng trời lặn lội dọc triền sông Đăk Bla (đoạn qua thành phố Kon Tum), Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã có thể xác định sơ bộ những vị trí khai thác hoặc có dấu hiệu khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, “định vị” được là một chuyện, ngăn chặn được vấn nạn này hay không lại là một chuyện khác...

“Định vị” những “điểm đen”

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh (công văn số 904/UBND-HTKT ngày 14/4/2017) về việc tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác cát sỏi khu vực lòng sông theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, ngày 14/4, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký quyết định (số 142/QĐ-STNMT) thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Đăk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum.

Theo một thành viên của Đoàn kiểm tra, gần 1 tháng trời bí mật lặn lội dọc triền sông Đăk Bla (17/4-10/5), với sự phối hợp, hỗ trợ của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Đoàn kiểm tra đã có thể “định vị” sơ bộ những vị trí có thể xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép.

Theo đó, tại Báo cáo số 239/BC-STNMT ngày 12/5/2017, có ít nhất 5 điểm khai thác cát trái phép dọc bờ sông Đăk Bla, thuộc địa bàn các xã Chư Hreng, Vinh Quang, Đăk Blà và phường Thắng Lợi.

Cụ thể, tại xã Chư Hreng, Đoàn kiểm tra phát hiện 2 điểm khai thác cát trái phép tại thôn 5 và thôn Kon Hra Ktu. Thời điểm kiểm tra, ở thôn 5 có 3 tàu hút cát đang neo đậu bên bờ sông, chủ tàu đã bỏ đi; trên bờ sông có 1 bãi cát rộng khoảng 800m2, lượng cát tồn trên bãi khoảng 10m3. Ở thôn Kon Hra Ktu, có 1 tàu hút cát (gắn 2 máy nổ) neo đậu bên bờ, không có chủ tàu; trên bờ có 2 hố chứa cát, diện tích khoảng 450m2/hố; lượng cát tồn trong các hố khoảng 50m3.

Tại địa bàn thôn Kon Tum Kơ Pơng, phường Thắng Lợi phát hiện 1 điểm khai thác cát trái phép. Ở hiện trường có 2 tàu hút cát đang neo đậu dọc sông. Theo báo cáo của UBND phường Thắng Lợi, 2 tàu trên là của ông Trần Công Khánh (trú tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum), bản thân ông Khánh đã nhiều lần bị UBND thành phố Kon Tum xử phạt vi phạm hành chính về khai thác cát trái phép.

Ngoài ra, tại thôn Kon Klor, phát hiện Công ty TNHH MTV Xuân Tài tự ý dùng phương tiện cơ giới đào hố, đắp đập tích nước, nắn dòng chảy sông Đăk Bla ngoài khu vực được cấp phép. Chiều dài con đập là 84m; diện tích có dấu hiệu khai thác cát sỏi trái phép là 7.015m2; khối lượng cát sỏi đã khai thác là 3.630m3.

Trên địa bàn thôn Trung Thành, xã Vinh Quang, Đoàn kiểm tra phát hiện 1 điểm khai thác cát trái phép. Tại hiện trường có 1 máy đào đang xúc cát vào xe tải mang biển kiểm soát 82C-026.59. Khi phát hiện ống kính máy ảnh, tài xế nhanh chóng lái xe đi nơi khác, người lái máy đào cũng vội vàng bỏ đi. Dưới sông có 2 bè hút cát có gắn máy nổ, bãi chứa cát trên bờ còn khoảng 150m3.

Khó xử lý phương tiện, máy móc của đối tượng khai thác cát trái phép nếu chính quyền địa phương không vào cuộc. Ảnh: T.H

 

Ở xã Đăk Blà, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính Hợp tác xã Tân Tiến về hành vi khai thác cát trái phép với khối lượng (tại bãi) khoảng 300m3 cát; tang vật vi phạm được giao cho UBND xã tạm giữ.

Theo ông Trần Công Hậu - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, việc “định vị” được các “điểm đen” về hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đăk Bla thuộc địa bàn thành phố Kon Tum sẽ giúp chính quyền địa phương và ngành chức năng chủ động triển khai công tác quản lý cũng như ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.

Chính quyền địa phương thờ ơ

Đồng tình rằng việc xác định “điểm đen” là cần thiết, nhưng một thành viên Đoàn kiểm tra (đề nghị giấu tên) nhận định: Hiệu quả mà nó đem lại đến đâu, có ngăn chặn triệt để nạn khai thác cát trái phép được hay không, do nhiều nguyên nhân, lại là điều rất khó nói trước.

Về mặt khách quan, cát lòng sông thường xuyên được bồi đắp, bổ sung chứ không như các khoáng sản khác; các điểm có thể khai thác thường nằm ở ranh giới 2 địa phương. Mặt khác, công nghệ khai thác không phức tạp, phương tiện linh hoạt, có thể di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác; có thể khai thác bất cứ lúc nào, cả ngày cả đêm nên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không dễ quản lý...

Trong khi đó, về mặt chế tài còn có “kẽ hở’. Theo quy định của pháp luật,  một vụ khai thác cát trái phép không thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử lý hành chính, nên không đủ sức răn đe. Việc xử lý tang vật cũng không dễ, bởi theo quy định, muốn tịch thu là phải bắt quả tang, trong khi đó, chỉ cần nghe “động” là các đối tượng tắt máy, neo thuyền “nằm im”, nên chỉ có thể trục xuất đối tượng, phương tiện máy móc ra khỏi địa bàn. Khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lơi lỏng trong tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng khai thác trở lại ngay.

Về chủ quan, ngoài việc nhân lực ngành chức năng mỏng, không đủ sức để kiểm tra, giám sát đều khắp và thường xuyên là một thực tế đáng chia sẻ thì có một nguyên nhân hết sức “tế nhị”, không ai muốn đề cập, nhưng lại mang ý nghĩa quyết định đến hiệu quả ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép.

Có trường hợp, chúng ta xử lý hôm nay, mấy ngày sau đã thấy hoạt động khai thác cát trái phép trở lại, hay như trường hợp ông Trần Công Khánh, bị UBND thành phố Kon Tum xử phạt nhiều lần cùng một hành vi khai thác cát trái phép nhưng vẫn hoạt động như cũ. Vì sao vậy?

Tham gia Đoàn kiểm tra vài lần, tôi đã tìm thấy được câu trả lời. Ấy là vì một số nơi, chính quyền địa phương khá “thờ ơ” với việc xử lý triệt để các đối tượng vi phạm, còn buông lỏng quản lý địa bàn. Đơn cử như 2 điểm khai thác cát trái phép tại xã Chư Hreng, Đoàn kiểm tra xác định chính quyền xã đã phát hiện từ trước, nhưng không xử lý, không báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đặc biệt, UBND xã Chư Hreng đã không lập thủ tục tạm giữ phương tiện, tang vật theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

Hay như trường hợp Công ty TNHH MTV Xuân Tài ngang nhiên dùng máy móc đắp đập nắn dòng chảy của sông Đăk Bla để khai thác cát trái phép trong thời gian dài nhưng chính quyền phường Thắng Lợi cho hay không nắm được thông tin(?)

Tại xã Vinh Quang, khi phát hiện có khai thác cát trái phép, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu UBND xã lập thủ tục tạm giữ phương tiện, thiết bị và tang vật; xác định đối tượng vi phạm, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng cho đến nay, mọi việc vẫn rơi vào yên lặng. Kết quả phúc tra mới đây cho thấy hoạt động khai thác cát trái phép bằng máy đào tại vị trí trên vẫn diễn ra bình thường.

Như vậy, có thể nói, một số địa phương đang thờ ơ với việc xử lý nạn khai thác cát trái phép, “làm ngơ” trước yêu cầu của ngành chức năng. Và đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khó giải quyết triệt để vấn nạn này.

Và cũng từ thực tế trên cho thấy, việc xác định được các điểm thường xảy ra khai thác cát trái phép là tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu giữa ngành chức năng và chính quyền địa phương tìm được tiếng nói chung, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý kiên quyết hoạt động khai thác cát trái phép.

Thành Hưng

Chuyên mục khác