17/07/2022 17:24
|
Đại tá Nguyễn Hồng Nhật, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 5 vụ được thực hiện qua Internet. Ngoài ra, qua công tác nắm tình hình, ghi nhận thông tin hành chục vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội với phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước đây, các thủ đoạn phổ biến như kết bạn qua tài khoản mạng xã hội, hứa hẹn yêu đương, tặng quà rồi lừa đảo; chiếm quyền (hack) tài khoản mạng xã hội hoặc lập tài khoản giả mạo để nhắn tin lừa vay mượn tiền; lập các trang web sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, tiền điện tử, kêu gọi đầu tư, sau đó can thiệp đánh sập hệ thống hoặc đánh “cháy” tài khoản người dùng để chiếm đoạt; đăng thông tin về các hoàn cảnh khó khăn, vận động khuyên góp rồi chiếm đoạt…
Thời gian gần đây, nổi lên một số thủ đoạn mới như giả danh nhà mạng, công ty, trang thương mại điện tử thông báo khách hàng trúng thưởng, được nhận quà khuyến mãi với giá trị lớn, nếu muốn nhận thì phải trả một khoản phí; giả danh cán bộ ngân hàng thông báo có người chuyển tiền, chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng bị lỗi, cần nâng cấp, yêu cầu cung cấp mã số thẻ, mã OTP để kiểm tra, sau đó chiếm quyền truy cập tài khoản; giả danh các cơ quan pháp luật thông báo người dân có liên quan đến các vụ án, hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, hình sự đặc biệt nghiêm trọng, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; giả mạo tuyển cộng tác viên các trang thương mại điện tử, chuyển tiền để chốt đơn “ảo”, sau đó nhận lại tiền hoa hồng với các đơn hàng đầu tiên, bị hại được nhận tiền hoa hồng để lôi kéo “mua” các đơn hàng có giá trị cao hơn, sau đó chiếm đoạt; tuyển cộng tác viên chỉ cần đăng bán hàng trên trang cá nhân là được nhận tiền, làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng, yêu cầu đặt cọc nhưng không gửi hàng; quảng cáo vay tiền qua ứng dụng (app) thủ tục đơn giản, có tiền ngay, không cần thế chấp, lãi suất linh hoạt dẫn dụ người vay vào bẫy “tín dụng đen”...
Về thủ đoạn đòi nợ bằng các hình thức khủng bố tinh thần người vay hoặc người quen của người vay. Đây là thủ đoạn không mới, liên quan đến hoạt động cho vay qua app. Người vay tiền phải cài ứng dụng trên điện thoại di động và cho phép ứng dụng sao lưu dữ liệu như danh bạ điện thoại, danh sách bạn bè trên facebook, zalo. Khi người vay không thanh toán các khoản vay đúng hạn (đều kèm theo lãi suất và các khoản phí rất cao) các đối tượng sử dụng điện thoại (sim rác) để gọi điện khủng bố; dùng tài khoản mạng xã hội đăng tải các hình ảnh có tính chất bôi nhọ danh dự không chỉ người vay mà cả những người quen biết, không liên quan đến khoản vay để đòi nợ. Có trường hợp, các đối tượng còn gọi điện, nhắn tin đến người quen của những người không liên quan đến các khoản vay để gây sức ép đòi nợ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh tiếp nhận 5 tin báo liên quan đến thủ đoạn này của đối tượng; trong đó có các nạn nhân là cán bộ, công chức tại các cơ quan trên địa bàn. Qua xác minh, hầu hết những nạn nhân không liên quan đến các khoản vay qua app nói trên.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Công an tỉnh kịp thời chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp tiếp nhận, xác minh tin báo; cung cấp thông tin về vụ việc với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để phối hợp điều tra, xác minh. Công an tỉnh khẩn trương điều tra, khám phá một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Điển hình như vụ nữ sinh người DTTS bị kẻ xấu gép ảnh khiêu dâm để cưỡng đoạt tài sản; vụ lừa mua sầu riêng qua mạng xã hội; vụ chiếm đoạt tiền trong tài khoản tín dụng của nạn nhân tại huyện Đăk Hà.
Nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng mạng viễn thông, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng cho người dân, cơ quan, tổ chức biết về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, giúp người dân chủ động phòng ngừa và kịp thời tố giác tội phạm đến cơ quan Công an. Lực lượng Công an thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, thông tin liên quan đến thủ đoạn của các đối tượng trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội.
Để chủ động phòng ngừa với các loại tội phạm trên, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng. Người dân cần tuyệt đối không vay tiền qua các app; không công khai thông tin cá nhân trên mạng, cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan; thực hiện các biện pháp bảo mật tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; cung cấp thông tin, tố giác tội phạm với cơ quan Công an để xử lý.
Quang Định